MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần sớm trình phương án giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu

Nhóm PV LDO | 14/06/2022 13:42
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Quốc hội còn 2 ngày nữa kết thúc kỳ họp thứ 3, nếu Chính phủ không kịp trình phương án giảm thuế để giảm giá xăng dầu, có thể triệu tập cuộc họp bất thường để quyết định những vấn đề mang tính trọng đại của đất nước.

Doanh nghiệp quá sức chịu đựng

Từ 15h chiều 13.6, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh. Xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên mức 32.375 đồng/lít. Đặc biệt giá dầu diesel 0.05S tăng đến 2.626 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít, lên mức 27.839 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 14 đợt, trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.

Ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

"Hiện giá xăng đã vượt ngưỡng 32.000 đồng/lít và dự báo có thể tăng lên đến 35.000 – 40.000 đồng/lít. Nếu vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách khó lòng sống nổi, quá sức chịu đựng rồi. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có các biện pháp để giảm giá xăng dầu", ông Bằng nói.

Giá xăng dầu tăng rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, doanh nghiệp. Ảnh: P.A 

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do chi phí vận tải tăng cao, nên tất cả chi phí đầu vào như bao bì, nhân công… đều tăng từ 30 - 35%, trong khi doanh nghiệp mới trở lại sản xuất, mọi thứ còn rất khó khăn.

"Thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã cao hơn so với giá trị đơn hàng; doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất", ông Lĩnh nói và dẫn chứng, trước đây, công ty của ông xuất khẩu một container giá trị hàng hóa khoảng 100.000 USD chỉ mất từ 1.500 – 2.500 USD chi phí vận tải, còn bây giờ, chi phí vận tải lên tới gần 9.000 USD, tăng gấp hơn 4 lần.

"Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn giữ giá bán như cũ để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu đến từ những quốc gia khác trong khu vực thì phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ép giảm giá mua nguyên liệu.

Nếu nhà chức trách không can thiệp nhanh thì dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực bởi xăng dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo", ông Lĩnh khẳng định. 

Áp lực lạm phát rất lớn, cần quyết giảm thuế ngay

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, giá xăng dầu đang là vấn đề rất "nóng" hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất tiêu dùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại địch.

Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, giá xăng dầu còn tác động đến ngành vận tải, logistics, đẩy chi phí các ngành nghề khác tăng theo, chi phí doanh nghiệp cũng tăng, tạo áp lực vô cùng lớn lên lạm phát.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH 

"Dẫu biết rằng, việc tăng giá xăng dầu thời điểm này là khó tránh do giá dầu thế giới "leo thang". Tác động này mang tính toàn cầu, nhưng Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể để giảm thiểu tối đa tác động, rủi ro của việc tăng giá xăng đến đời sống nhân dân và sự phát triển chung của nền kinh tế. Đó là việc Chính phủ phải điều hành ngay", bà Nga nói.

Điều hành ngay ở đây, theo bà Nga: "Chính phủ cần sớm trình phương án giảm thuế với xăng dầu". Bộ Tài chính là đơn vị tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý.

Thuế Bảo vệ môi trường, nếu muốn giảm tiếp 50% nữa, thẩm quyền thuộc về Quốc hội; điều này cũng tương tự với Thuế Tiêu thụ đặc biệt hay Thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì... Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội giảm thuế ngay.

"Quốc hội còn 2 ngày nữa kết thúc kỳ họp thứ 3, nếu Chính phủ không kịp trình phương án giảm thuế để giảm giá xăng dầu, Quốc hội có thể triệu tập cuộc họp bất thường để quyết định những vấn đề mang tính trọng đại, quyết ngay" - bà Nga nêu quan điểm.

Về vấn đề nhập khẩu xăng dầu giá rẻ từ Malaysia, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, ngoài việc giảm thuế phí, nếu chúng ta tìm được nguồn cung xăng dầu giá rẻ cũng cần làm ngay để đảm bảo nguồn cung trong nước.  

Kiểm soát chặt chẽ giá, đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục,…).

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý; triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn