MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần Thơ: Trái cây rớt giá tận đáy, cả nông dân, thương lái cùng kêu khó

HỒ THẢO LDO | 21/05/2022 06:27

Thời gian gần đây, nông dân trồng mít Thái, ổi lê ở Cần Thơ liên tục than thở bị thương lái ép giá đến tận đáy, tiền bán được không đủ chi phí phân thuốc, thậm chí không đủ tiền mua vật tư bao trái.

Tiền bán không đủ mua túi bao trái

Ông Đặng Thanh Ba - nông dân trồng mít Thái ở huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) - cho biết, cả xóm ông đang đứng ngồi không yên vì thương lái. Theo ông Ba, thay vì trước đây thương lái phân loại trái đạt 9kg trở lên tính loại 1; kế đến là loại 2, loại 3 rồi mít chợ để áp dụng giá thu mua từ cao đến thấp. Nhưng mới đây, thương lái vừa đến vườn nhà ông thu mua đồng giá 3.000 đồng/kg. Mặc dù, theo tìm hiểu của ông Ba, giá thương lái bán lại cho vựa đến 8.000 đồng/kg. Lý do thương lái đưa ra là do trái xấu, dội chợ, vựa không ăn, xuất khẩu không được...

“Phân thuốc, xăng dầu tăng giá đã đành, giờ thêm phần thương lái cò kè ép giá. Người nông dân chỉ còn mấy đồng bạc cắc” - ông Ba than thở.


Giá mít Thái thương lái thu mua tại vườn Cần Thơ chỉ còn 3.000 đồng/kg. 

Không chỉ mít Thái mà nông dân trồng ổi cũng đang gặp khó khăn tương tự. Ông Trần Văn Độ (huyện Phong Điền) cho biết: Thương lái đến tận vườn ông thu mua ổi lê với giá 1.000 đồng/kg. Trong khi, giá vựa mua vào 4.000 đồng/kg.

Ông Độ cho hay, so với mọi năm, giá ổi thời điểm hiện tại thương lái thu mua không bằng một nửa năm ngoái. Trong khi phân, thuốc, xăng bơm tưới nước cho vườn... thứ nào cũng tăng, chưa kể chi phí thuê nhân công. 

Ổi lê nhà ông Độ thu hoạch với giá chỉ còn 1.000 đồng/kg.

“Giá bán ba cọc, ba đồng như này, tiền mua túi bao trái còn không đủ, nói chi đến việc có lời lãi. Biết giá chênh lệch lớn, xót của, nông dân chúng tôi tự thu hoạch mang ra tận vựa để bán nhưng họ không mua. Hoặc mua với giá còn rẻ hơn bán cho lái, với lý do vựa chỉ mua số lượng lớn” - ông Độ nói.

Thương lái, chủ vựa cũng kêu khó

Bà Nguyễn Thị Sương - thương lái chuyên thu gom mít Thái, xoài Đài Loan, ổi… tại các nhà vườn Cần Thơ - thừa nhận có sự chênh lệch lớn giữa giá thu mua tại vựa so với giá thương lái thu mua của nông dân tại vườn. 

"Thời điểm hiện tại, trái cây thu hoạch ồ ạt, sản lượng cung vượt cầu. Nguy cơ rớt giá tính theo ngày. Nếu thu mua bằng giá thị trường rất dễ xảy ra thua lỗ. Mình phải trừ một khoản chi phí vận chuyển. Đối với vườn xa, giá càng rẻ. Chưa kể giờ xăng dầu tăng giá, càng đội chi phí, nên thương lái cũng phải liệu cơm gắp mắm” - bà Sương phân trần.

Xác nhận việc có nhiều hộ dân xót của, thu hoạch mang đến tận vựa để bán, nhưng vựa không thu mua, chị Trần Ngọc Yến - chủ vựa trái cây tại Cần Thơ - lý giải: "Thứ nhất, thương lái là người thu gom số lượng lớn đáp ứng nguồn hàng cho vựa. Nếu vựa tự mua trực tiếp số lượng nhỏ lẻ, dễ đứt gãy nguồn hàng. Thứ hai, chất lượng trái đối với cây trồng lâu năm giảm, phải qua khâu phân loại từ thương lái để đỡ mất thời gian cho vựa lớn”.

Nông dân phải tự cứu mình

Ông Nguyễn Út Em - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ - cho biết, chuyện thương lái ép giá nông dân là vấn đề khó có thể tránh khỏi. Ông Em cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc này một phần là do giá nhiên liệu tăng. Bên cạnh đó, thương lái cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu một số loại trái cây đang rất bất ổn, nên họ phải tính toán giá thu mua để tránh thua lỗ.

Tuy nhiên, ông Em lý do sâu xa hơn là nhà vườn canh tác theo hướng đại trà ồ ạt một loại cây, dẫn đến giá trị nông sản xuống thấp.

Chính lúc này, bà con nên nhận ra không thể tiếp tục canh tác chạy theo thị trường. Trước đây, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến khích bà con phải liên kết sản xuất. Nông sản khi sản xuất nên đăng ký theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để khi xuất đi các nước theo một chuẩn đầu ra chung, nâng cao chất lượng nông sản địa phương" - ông Em nêu giải pháp.

Mới đây, tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt tại Cần Thơ, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - nêu ý kiến: “Vấn đề nông sản ở các tỉnh ĐBSCL đang gặp phải là chất lượng chỉ ở mức trung bình, sản xuất ồ ạt, chưa có chỗ đứng tại thị trường quốc tế. Nguồn cung tại chỗ nhỏ lẻ dễ đứt gãy, phải thông qua đầu mối...

Theo ông Phương, cần phải thay đổi mô hình sản xuất theo chuẩn chất lượng chung. Thành lập trung tâm điều phối sản xuất vùng và địa phương, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics... Ông Phương cho rằng, khi Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng tại Cần Thơ hoàn thành sẽ góp phần giải quyết được vấn đề giá trị nông sản. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn