MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủy điện vẫn là nguồn năng lượng sạch, cần được phát triển để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: PV

Chấn chỉnh các chủ đầu tư thủy điện nhỏ

P.V LDO | 08/10/2017 11:00
Sáng 5.10, chủ trì hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, trong tương lai gần thủy điện vẫn là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thời gian tới bên cạnh việc phát triển thủy điện, cần có biện pháp chấn chỉnh các chủ đầu tư thủy điện không tuân thủ quy trình vận hành, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng hạ du.

Bất cập thủy điện vừa và nhỏ

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, thời gian qua, việc quản lý quy hoạch và vận hành các dự án thủy điện đã xảy ra nhiều bất cập, diện tích chiếm đất lớn, không ít dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây không ít khó khăn cho đời sống nhân dân vùng hạ du.

Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho biết: Hiện cả nước có 714 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 7.238 MW nằm trong quy hoạch. Trong đó đã vận hành khai thác được 270 dự án với gần 3.000 MW; đang thi công xây dựng 141 dự án; nghiên cứu đầu tư 250 dự án, còn khoảng 53 dự án chưa có chủ trương đầu tư.

Thực hiện việc rà soát quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã loại bỏ 468 dự án với tổng công suất 2.044 MW ra khỏi quy hoạch do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đến môi trường xã hội, chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp, dưới 10MW…

Cũng theo ông Đỗ Đức Quân, hiện công tác quản lý phê duyệt quy hoạch hồ đập đã được phân cấp theo thẩm quyền từ Bộ Công Thương đến các địa phương, trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh lập, phê duyệt quy hoạch bậc thang trên các lưu vực nhánh.

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương - nêu thực trạng, các văn bản quy phạm pháp luật là khá đầy đủ, song trên thực tế, việc quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, quản lý an toàn hồ đập trong mùa lũ vẫn nhiều điều cần bàn. “Chất lượng công tác quan trắc sai số tới 2-3 lần. Chưa có quy định cụ thể xác định vùng hạ du, chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt nên khi các thủy điện nhỏ vận hành trong mùa lũ khá lúng túng” - ông Lượng nói.

Thực tế, nhiều công trình thủy điện nhỏ không có hồ chứa, chủ đầu tư chỉ xây dựng một đập rất nhỏ để chặn, chuyển nước từ suối vào kênh dẫn phát điện; nhiều công trình có dung tích hồ chứa rất nhỏ nhưng quy định các chủ đập phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật như hồ chứa lớn là không hợp lý. Ngược lại, không ít chủ đập đã vận hành nhà máy một thời gian dài, nhưng thiếu quan tâm đến quy trình cảnh báo cho hạ du trong quá trình vận hành, chỉ khi có tình huống bất thường mới cảnh báo. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu tới đây phải siết chặt quản lý đối với các chủ đầu tư vi phạm quy định về an toàn hồ đập, nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cấp thẩm quyền ở địa phương.

Năng lượng tái tạo sẽ thay thế?

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẳng định ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng NLTT; từng bước nâng cao tỉ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn NLTT nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đến năm 2020, NLTT chiếm khoảng 7% và đến năm 2030 chiếm trên 10% tổng nguồn năng lượng quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng các cơ chế khuyến khích phù hợp, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt; có chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế để phát triển NLTT; tăng cường hợp tác với các nước thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM) dưới hình thức phát triển NLTT.

Các nhà máy thủy điện đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, thủy điện đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng), điều tiết hợp lý giá điện; tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách... Tại một số địa phương, các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương. Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm,...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện. Thu nhập của người dân tái định cư ngày càng ổn định, bình quân đạt 14 triệu đồng/hộ/năm (năm 2016). Tuy nhiên, mặt trái của thủy điện là để xây dựng thủy điện, phải thu hồi khá nhiều đất đai các loại. Bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng khoảng 7,41ha và tái định cư 0,16 hộ dân. Quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông hiện có. Việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình cũng bị “lâm tặc” lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép.

Để giải quyết các tồn tại này, theo ông Đỗ Đức Quân, Bộ Công Thương đã đề ra 5 giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam. Đó là nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện các công trình thủy điện đang vận hành khai thác; Tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan QLNN từ Trung ương đến địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật; Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành…; Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác. Giải pháp nữa là, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm xem xét để bổ sung, điều chỉnh các quy định, chế tài để đáp ứng đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Tận dụng nguồn lợi thuỷ điện sẽ giảm được điện than

Đây là khẳng định của PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Theo TS Thiên, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, mỗi năm tốc độ tăng tiêu thụ năng lượng đạt từ 8-10%, nếu hạn chế điện than chúng ta sẽ không đủ nguồn năng lượng cho phát triển. Xu thế của thế giới hiện nay là trở lại đầu tư phát triển thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ để giảm bớt sự phụ thuộc và nhiệt điện than. Tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo sẽ ngày càng tăng gồm năng lượng mặt trời, sức gió và thuỷ điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn