MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chỗ đứng cho nền kinh tế vỉa hè TPHCM: Hàng rong trở thành "đặc sản"

NGỌC LÊ LDO | 31/08/2022 11:58

TPHCM - Với nhiều người, việc bán hàng rong đã trở thành nguồn thu nhập chính và qua thời gian đã trở thành "đặc sản" của TPHCM. Tuy nhiên, việc quy hoạch kinh tế vỉa hè cần có sự linh hoạt để có thể khai thác hiệu quả mà không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Hàng rong đã trở thành nét đặc trưng

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán và hàng rong tại TPHCM đã diễn ra từ lâu, năm 2017, chính quyền Quận 1 (TPHCM) đã tiên phong trong việc ra quân xử lý kiên quyết tình trạng này. Tuy nhiên, sau thời gian kiên quyết, đến nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến đường vẫn chưa thật sự được khắc phục triệt để. 

Chia sẻ tại chương trình Midnight Talks, T.S Nguyễn Văn Đáng - nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, từ góc độ quản lý công bản chất của kinh tế vỉa hè là kinh doanh công cộng để tìm kiếm lợi ích cho cá nhân.

Về mặt xã hội học, hiện tượng kinh tế vỉa hè không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước đang phát triển khác là đặc thù. Đây cũng là sự kết hợp 2 chiều là của lực lượng yếu thế tìm được công việc phù hợp với mình và nhu cầu sẵn có của bộ phận cư dân ở các thành thị Việt Nam.

 Tình trạng buôn bán hàng rong ở các tuyến đường TPHCM đã trở thành nét đặc trưng.

Kinh tế vỉa hè có 2 dạng là kinh doanh lấn chiếm vỉa hè từ nhà bước ra và dân di cư từ các địa phương có sự chênh lệch lớn về sự phát triển. Đây là nguồn sống rất quan trọng đối với những người di cư từ nông thôn ra thành thị.

“Chính quyền phải đặt ra các tuyến phố không được bán hàng rong, không được lấn chiếm. Đây có thể là những tuyến phố liên quan đến hình ảnh của Thành phố. Tuy nhiên với những khu phố không phải trung tâm, không quá ảnh hưởng đến sự vận hành của một cấu trúc đô thị thì chúng ta vẫn có thể linh hoạt chấp nhận bằng cách quy định theo từng khu, khung giờ” - T.S Nguyễn Văn Đáng cho hay.

Cần được quản lý linh hoạt

Thực tế, TPHCM đã có những khu phố hàng rong được thành lập từ năm 2017 tại đường Nguyễn Văn Chiêm (Quận 1) và bên trong công viên Bách Tùng Diệp (Quận 1).

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, 2 khu phố hàng rong đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân và có lượng khách ổn định. Tại đây các hộ kinh doanh được chia thành 2 ca (sáng từ 6h - 10h30 và chiều từ 10h30 - 15h). 

 Một số gian hàng trên phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (Quận 1).

Hiện nay, những địa điểm như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung (Quận 10), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận),... đã tạo được sức hút không chỉ với người dân mà cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang cho rằng, không nên xoá sổ vỉa hè và ủng hộ giá trị kinh tế vỉa hè. Đây là sự đặc thù phản ánh nền kinh tế và giá trị cần được giữ lại.

"Kinh tế vỉa hè là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Việt Nam mình phong phú về ẩm thực như vậy thì chúng ta cần phải giữ và làm đẹp cho nó. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế" - kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn