MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chợ ế ẩm, tiểu thương tại TPHCM đổ xô học cách livestream bán hàng

HẠ MÂY LDO | 26/12/2023 06:48

Sau khi các tiểu thương tại một số khu chợ nổi tiếng ở TPHCM livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên mạng xã hội và có kết quả tích cực, nhiều tiểu thương tại các khu chợ truyền thống khác mạnh dạn học hỏi để chuyển đổi cách tiếp cận khách hàng.

Vì kinh doanh ế ẩm nên vào tháng 7.2023, chị Cao Ánh Chi (tiểu thương chợ Hạnh Thông Tây) lập tài khoản trên các trang thương mại điện tử để kinh doanh nhưng chưa đem lại hiệu quả. Đến tháng 10.2023, chị Chi mạnh dạn livestream bán hàng đều đặn mỗi ngày, đến nay tình hình kinh doanh khởi sắc hơn.

“Lúc mới bắt đầu chỉ có 3-5 người xem, tôi rất nản nhưng vẫn động viên bản thân phải cố gắng. Lâu dần, người xem tăng và đến nay duy trì ổn định ở mức khoảng 700-800 người xem trong một buổi livestream.

Nhiều khách sau khi xem trên mạng xã hội đã đến tận sạp hàng để mua với số lượng nhiều. Việc livestream bán hàng cho khách thấy được sự chân thật của mình và mẫu mã mới, giúp khách dễ chọn mua hàng hơn” - chị Chi nói.

Bán hàng tại chợ Tân Bình đã lâu, nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết vẫn ngại việc tiếp cận bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Sau khi thấy nhiều tiểu thương ở chợ Bến Thành được các nhà sáng tạo nội dung hỗ trợ và hướng dẫn livestream bán hàng, chị Tuyết mạnh dạn liên hệ bạn hàng tại đây để tìm hiểu rõ hơn về phương thức kinh doanh này.

“Lúc chưa tìm hiểu, tôi nghĩ sẽ rất khó để thực hiện nên chỉ duy trì việc kinh doanh truyền thống, chờ khách đến mua. Tuy nhiên, sau khi được bạn hàng tại chợ Bến Thành hướng dẫn các thao tác tạo tài khoản, giỏ hàng…, tôi thấy mình cũng có thể làm được. Ban đầu còn nhiều lúng túng nhưng tôi hy vọng làm nhiều sẽ tốt hơn” - chị Tuyết chia sẻ.

Tiểu thương tại chợ An Đông (Quận 5) livestream bán hàng đều đặn mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Lê

Trung tuần tháng 12, có hơn 100 KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành.

Kết quả, chợ Bến Thành tổ chức 77 phiên livestream, tạo ra 18.200 đơn hàng, tiếp cận 81,6 triệu người.

Trao đổi với Lao Động, ông Ngô Văn Hà - Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành - cho biết: “Sau khi tiểu thương chợ livestream cùng các nhà sáng tạo nội dung, đã có nhiều tiểu thương tại những khu chợ khác ở TPHCM tới liên hệ với Ban Quản lý để học hỏi. Phía Ban Quản lý cũng hỗ trợ các tiểu thương nhiệt tình và kết nối với một số nền tảng mạng xã hội như Tiktok để giúp họ có thêm phương thức kinh doanh mới, quảng bá và bán hàng trên nền tảng số, thay vì chỉ kinh doanh thụ động như trước đây”.

Ngoài ra, nhiều chợ lớn ở các tỉnh, thành khác, như chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế), chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và một số nơi ở tỉnh Bình Định... cũng điện thoại cho Ban Quản lý chợ Bến Thành để trao đổi kinh nghiệm mời, tổ chức cho các KOL livestream cùng tiểu thương. Điều này cho thấy được sức lan tỏa, hiệu quả lớn trong cách thức tiếp cận và phát triển thương mại điện tử. Do đó, cần đánh giá kỹ hiệu quả mang lại để nhân rộng mô hình này.

Các nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội livestream bán hàng cho các tiểu thương chợ Bến Thành. Ảnh: Ngọc Lê

Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện nay, do sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại điện tử, thị phần chợ truyền thống đang bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, hoạt động của chợ truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh từ các điểm, khu vực kinh doanh tự phát xung quanh chợ.

Tuy nhiên, chợ vẫn là nơi đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng của người dân nên cần thiết phải có nhiều thay đổi. Qua đó, để duy trì hoạt động cũng như nâng dần chất lượng theo xu hướng hiện đại, Sở Công Thương TPHCM đã làm việc với UBND các địa phương để rà soát, phân tích nguyên nhân; đánh giá hiệu quả của những giải pháp, điều chỉnh và lựa chọn giải pháp phù hợp để giúp chợ truyền thống có thể thích ứng, có những mô hình phát triển phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn