MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chưa dự trữ đủ 60 triệu chiếc, khẩu trang y tế hẹp đường "xuất ngoại"

Thuỳ Dung LDO | 24/04/2020 17:52
Do chưa tích trữ đủ 60 triệu khẩu trang y tế cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong nước dù có đủ năng lực sản xuất để xuất khẩu nhưng không thể thực hiện. 

Tại cuộc họp của Bộ Công Thương chiều nay (24.4), ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng cục Công nghiệp, một trong những mặt hàng được chú ý trong thời gian vừa qua là khẩu trang y tế đang gặp khó khăn trong xuất khẩu. Theo đó, do chưa mua đủ nguồn dự trữ nên chúng ta bị vướng không thể xuất khẩu. Hiện nay, chúng ta mới chỉ mua được 46 triệu/60 triệu khẩu trang dự trữ được yêu cầu.

Mặc dù ông Hoài cũng khẳng định, năng lực sản xuất sản phẩm này của doanh nghiệp Việt là rất lớn, nhu cầu xuất khẩu cao. Rất nhiều nước trên thế giới đang cần để phục vụ cho nhu cầu chống dịch, nếu chúng ta bỏ qua thời điểm này thì sẽ rất lãng phí. 

Trước những khó khăn trên, Cục trưởng Cục Công nghiệp kiến nghị, cần nhanh chóng mua đủ 14 triệu khẩu trang dự trữ còn lại để doanh nghiệp có thể sản xuất và xuất khẩu, tận dụng được thời cơ vàng và cũng là điểm sáng trong lúc dịch bệnh còn có những diễn biến phức tạp. 

Được biết, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai Bộ Y tế và Công Thương cùng các cơ quan liên quan được chỉ đạo phải xử lý nhanh việc này, “không để lỡ thời cơ”. Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 20 ngày 28.2.2020 để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nêu trên.

Tại dự thảo về xuất khẩu mặt hàng này, Bộ Y tế cũng đã tính phương án không để xảy ra tình trạng các cơ sở y tế không thể mua được khẩu trang y tế trong nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch. 

Do đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 20 theo hướng “Cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu”.

Doanh nghiệp muốn xuất được khẩu trang y tế phải trình một trong các văn bản là Bản sao chứng thực văn bản công bố trúng thầu và hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế; Bản chính văn bản thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế, trong đó phải ghi rõ số lượng khẩu trang và thời gian thực hiện cam kết không quá 3 tháng kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận.

Ngay sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu nhanh chóng làm văn bản báo cáo kiến nghị gỡ khó xung quanh việc xuất khẩu khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Không thể chỉ vì thế mà đình trệ lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Thị trường vật phẩm y tế là rất lớn. Hiện nay Mỹ, châu Âu, nhu cầu của họ rất lớn.

Trong 1 văn bản kiến nghị mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đề nghị bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá số lượng để phục vụ nhu cầu phòng dịch, số lượng các DN trong nước sản xuất để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 1 Nghị quyết  20/NQ-CP ngày 28.2.2020: "Ngoài ra, hiện nay Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước)..."

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn