MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cải tạo ao, đầm chuẩn bị vụ tôm mới tại Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Chưa vào vụ tôm, giá các dịch vụ đầu vào đã tăng vùn vụt

NHẬT HỒ LDO | 24/03/2021 15:28
Hàng loạt các dịch vụ đầu vào cho vụ tôm mới tại ĐBSCL đều tăng. Từ tiền công làm đất, máy ủi, trang thiết bị phục vụ cho nuôi tôm đến thức ăn nuôi tôm tăng cao so với vụ tôm trước. Dù giá tôm năm 2021 dự báo tăng từ 15 - 20%, nhưng giá đầu vào tăng đến gần 30% xem như vụ tôm 2021 không lãi bằng năm 2020.

Ông Trần Văn Phước, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tiền công làm đất năm nay tăng quá cao. Kể cả công nhân làm việc các năm trước chỉ 230.000 đồng/người/ngày, nay lên đến 280.000 đồng/người/ngày. Tiền công ủi đất, san đất bằng cơ giới cũng đã lên 120 triệu đồng/ha.

Chuẩn bị cho mùa tôm mới, giá công làm đất tăng khiến người nuôi tôm thêm lo. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Trần Văn Hùng, xã Lại Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Giá tôm nguyên liệu có tăng đôi chút, nhưng hiện tại mùa vụ này, cái gì cũng tăng. Có loại tăng đến 30% so với năm trước”.

Nhiều người dân vẫn thận trọng trước mùa tôm mới. Ảnh: Nhật Hồ

Trong khi đó, giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản cũng được các nhà cung cấp thông báo tăng giá từ 1.200 đồng/kg đến 1.900 đồng/kg. Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam tăng giá thêm 1.500 đồng/kg từ ngày 1.3. Cụ thể, C.P.9920 01 bao 10kg hiện có giá 389.000 đồng; C.P.9922 01 bao 25kg có giá 972.500 đồng;…

Công ty TNHH Grobest Industrial (Việt Nam) cũng vừa có thông báo từ ngày 1.4 tới sẽ chính thức tăng giá bán tất cả các sản phẩm thức ăn tôm thêm 1.200 đồng/kg (trừ sản phẩm Gold Shield).

Trước đó, Công ty TNHH Tongwei Việt Nam có thông báo tăng giá bán thức ăn tôm từ ngày 5.2. Đối với hàng tôm thẻ phổ thông, tăng 1.200 đồng/kg; Đối với hàng tôm thẻ chất lượng cao, tôm sú, công năng, tăng trọng tăng 1.400 đồng/kg,…

Nguyên nhân được các nhà cung cấp thức ăn giải thích do phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn nuôi tôm tăng từ 16 - 51% so với năm 2020.

Hệ thống phân phối sản phẩm của các công ty sản xuất thức ăn qua nhiều kênh trung gian (đại lý cấp 1, cấp 2,...), chi phí bán hàng cao cũng đẩy giá thức ăn tăng lên đáng kể khi tới người nuôi.

Dự báo giá cả thị trường các vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm và giá tôm nguyên liệu trong thời gian tới vẫn ở mức cao do vẫn còn chịu tác động bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giá tôm nguyên liệu được dự báo tăng hơn năm 2020 từ 15 - 20% do các nước sản xuất tôm chính như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc,... sản lượng tôm giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Theo những người nuôi tôm, đầu vụ, chưa có tôm để bán, nhưng người nuôi phải bỏ chi phí tăng thêm từ 20 - 30%. Đến khi thu hoạch, nếu giá tôm dự báo tăng 20%, người nuôi xem như không lãi bằng năm 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn