MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chương trình chăn nuôi thực xanh - OGAF tổ chức hội thảo khoa học

Hiên Nguyễn LDO | 21/01/2021 17:00
Ngày 18.01.2021 tại P313, T3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PT. Nông thôn đã diễn ra buổi hội thảo lần thứ 3 về “Vai trò của hệ sinh thái trong chăn nuôi hữu cơ và hướng hữu cơ chất lượng cao” do Ban kỹ thuật- Chương trình thực hành Chăn nuôi xanh với các Nguyên tắc hữu cơ trong một số khu sinh thái tuyển chọn (gọi tắt là: Chăn nuôi thực xanh- OGAF) tổ chức.

Được triển khai từ đầu năm 2018, Chương trình OGAF (Organically-Green Animal Farming in Selective Eco-Agricultural Farms) chỉ giới hạn thực hiện trong một số rất ít tiểu khu sinh thái đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đánh giá tuyển chọn nhằm phát triển cao hơn thành các khu thực hành chăn nuôi xanh với các nguyên tắc hữu cơ (gọi tắt là các khu chăn nuôi thực xanh). Đây là các khu kiểu mẫu giúp hướng dẫn kỹ thuật cho phát triển chăn nuôi hữu cơ và hướng hữu cơ chất lượng cao. Vùng địa lý được chọn chủ yếu thuộc các địa bàn đã tham gia Dự án Phát triển chăn nuôi tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam (PALD) do tổ chức Nông nghiệp và Thú y không biên giới (AVSF) thực hiện với sự quản lý của Viện chăn nuôi quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tại hội thảo lần này, các cán bộ kỹ thuật và chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ phương pháp đánh giá chất lượng hệ sinh thái tiểu khu một cách toàn diện. Nhiều giải pháp chăn nuôi xanh cũng được thảo luận và hướng dẫn một cách chi tiết nhằm phát huy tối đa ưu thế của hệ sinh thái tự nhiên trong việc bảo đảm gia tăng tính hữu cơ của sản phẩm chăn nuôi. .

Khác với nhiều mô hình chăn nuôi hướng hữu cơ ở mức độ rất hạn chế (mới chỉ áp dụng một vài giải pháp xanh đơn lẻ như thay thế một phần thức ăn công nghiệp bằng một số loại thân, lá, hạt thực vật, giun quế, ốc bươu và một vài phụ phẩm nông nghiệp... hoặc bổ sung một số loại thảo dược hay men vi sinh), tại các khu chăn nuôi thực xanh OGAF, các giải pháp xanh đó chỉ được xem là một phần rất nhỏ trong chuỗi thực hành xanh vốn đòi hỏi sự toàn diện hơn theo các nguyên tắc hữu cơ để đạt hoặc tiệm cận sâu tới các tiêu chuẩn hữu cơ đầy đủ. Các thực hành này trải rộng trên nhiều mặt, từ yêu cầu cao về chất lượng hệ sinh thái, chọn giống vật nuôi phù hợp, cơ cấu dinh dưỡng xanh đầy đủ và hướng hữu cơ/hướng tự nhiên mạnh mẽ, chăm sóc sức khỏe theo tiếp cận phòng ngừa- không kháng sinh, và đảm bảo tôn trọng các đặc tính sinh trưởng tự nhiên của vật nuôi. Về thực chất, đây là các khu chăn nuôi hướng hữu cơ ở mức độ rất cao (cận hữu cơ). Một vài khu đã hoàn toàn thỏa mãn hoặc vượt nhiều tiêu chí của những bộ tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ phổ biến.

Cũng tại hội thảo, TS. Thái Sơn điều phối viên cao cấp của Chương trình đã chia sẻ về sự phát triển sắp tới của các khu chăn nuôi thực xanh theo hướng duy trì ổn đinh các khu hiện hữu mà chưa mở rộng về quy mô và số lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do hình thức chăn nuôi này đòi hỏi sự khắt khe trong quy trình quản lý và chăm sóc vật nuôi, cũng như các yêu cầu cao về điều kiện tự nhiên và tri thức cần huy động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn