MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ 1.10.2018, các hoạt động xuất khẩu gạo được "cởi trói" khi Nghị định 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Ảnh: PV

Cởi “nút thắt” để xuất khẩu gạo bứt phá

Phong Nguyễn LDO | 29/08/2018 14:20

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo thay thế Nghị định 109/2010. Theo đó, từ 1.10.2018, khi nghị định này có hiệu lực thi hành, hàng loạt “nút thắt” cản trở doanh nghiệp (DN) trong XK gạo sẽ được cởi bỏ. Nhiều câu hỏi đặt ra, trước tình trạng Trung Quốc dựng thêm hàng rào kỹ thuật, XK gạo có duy trì được đà tăng trưởng như 8 tháng vừa qua?

Quy định mới thông thoáng hơn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2011 đến nay, XK gạo Việt Nam đã hướng đến phân khúc chất lượng cao, đồng nhất, không pha tạp, do đó, không chỉ giá trị XK gạo tăng, mà thị trường XK gạo cũng được mở rộng đáng kể, không chỉ tập trung vào một số thị trường như Indonesia, Malaysia hay Philippines… Tuy nhiên, sự “bó buộc” về quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP vốn không còn phù hợp đã khiến nhiều DN mất đi cơ hội kinh doanh. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Công thương đã nhiều lần xem xét, sửa đổi, tạo hành lang thông thoáng trong quy định về XK gạo. Trong đó, việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân XK gạo vào đầu năm 2017, cũng như việc trình chính phủ sửa đổi, thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP Bộ Công Thương đã tạo điều kiện để DN có cơ hội XK gạo.

Để hoạt động XK gạo phù hợp tình hình mới của thế giới, cần thực hiện hàng loạt vấn đề căn cơ và sự ra đời của Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã tháo gỡ hàng loạt nút thắt vốn lâu nay đang “trói tay” DN. Quy định tại nghị định mới cho phép các thương nhân chỉ XK gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được giảm bớt một số thủ tục, điều kiện kinh doanh: Được phép XK các loại gạo này mà không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định. Khi thực hiện thủ tục hải quan XK, thương nhân XK gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo XK do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo XK phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ NNPTNT, Bộ Y tế hướng dẫn…

Nguy cơ XK gạo sụt giảm khi TQ tăng thuế NK

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), XK gạo tháng 7.2018 ước đạt 382 nghìn tấn với giá trị 195 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỉ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí đầu tiên về nhập khẩu gạo của Việt Nam, sau đó là Indonesia, Philippines... Các thị trường có giá trị XK tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Indonesia, Iraq, Malaysia, Philippines và Bờ Biển Ngà...

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản dự báo, XK gạo Việt Nam cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc (chiếm tới 40% khối lượng gạo XK của cả nước) tăng thuế nhập khẩu và tăng cường kiểm soát chất lượng. Trung Quốc đang tạo ra 2 rào cản rất lớn cho ngành gạo của chúng ta bằng việc tăng thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50% khiến XK gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá XK giảm 50 - 60 USD/tấn so với trước khi áp thuế (còn 425-435 USD/tấn). Ngoài ra, XK gạo cũng bị ảnh hưởng do Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập khẩu và nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật với các DN XK của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn