MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nghiệp chế tạo Việt Nam gặp khó về nguyên liệu, thương hiệu khi bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Thùy Trang

Công nghiệp chế tạo Việt Nam gặp khó về nguyên liệu, thương hiệu

THÙY TRANG LDO | 12/09/2023 18:58

Sản phẩm linh kiện của Việt Nam trên thị trường quốc tế còn chưa được định hình rõ nét, đối tác nước ngoài còn dè dặt, trong khi giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp trong công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo đang gặp khó về tài chính, nguồn nguyên liệu nên dù muốn vẫn không dám mở rộng thị trường.

Tài chính khó khăn, nguyên liệu vẫn bị phụ thuộc

Tham dự Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo TP Đà Nẵng năm 2023, ông Trần Quốc Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Kỹ thuật Đà Nẵng - cho biết, trước đây, người dân muốn dùng thiết bị hỗ trợ về tàu biển phải nhập hàng từ châu Âu, hay Australia, Nhật, Trung Quốc… thì hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận được các công nghệ sản xuất. Một số sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam đã chế tạo được giúp giảm giá thành rất nhiều.

Tuy nhiên, thực tế hiện dù công nghiệp Việt Nam tương đối phát triển nhưng nguyên vật liệu đang là một hạn chế. Bởi, hầu hết nguyên liệu hiện nay của ngành phải nhập từ Trung Quốc hay một số nước lân cận. Nguyên, phụ liệu trong nước chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của doanh nghiệp chế biến, chế tạo.

Nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn bị phụ thuộc. Ảnh: Thùy Trang

Như một sản phẩm của doanh nghiệp của anh Toản hiện nay thì nguyên liệu trong nước chiếm 60% đến 70%. Để khắc phục được điều này thì phải cần thời gian, khi đơn hàng của các doanh nghiệp tăng, nhu cầu trong nước tăng thì chắc chắn là các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bắt đầu đầu tư đưa các nguyên liệu vào sản xuất tăng lên.

Ngoài ra, khó khăn nữa của doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến chế tạo là tài chính. Lãi suất ngân hàng vẫn là vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.

“Thời gian vừa qua, với lãi suất tăng, lạm phát tăng khiến các doanh nghiệp đối diện với chi phí về quản lý tăng cao, trong đó là lãi vay. Năm nay, chúng tôi dự định mở rộng thị trường tại Campuchia nhưng giữa lúc kinh tế vẫn khó khăn, bài toán về chi phí không an toàn nên phải tạm dừng. Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp hơn hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, để được tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển" - ông Toản nói.

Thương hiệu linh kiện Việt Nam chưa ấn tượng với đối tác quốc tế

Cùng tham dự hội chợ, chị Trương Minh Trang - Công ty Cổ phần Echigo Việt Nam - cho hay, đơn vị sản xuất sản phẩm khuôn ép nhựa, đang cung cấp cho Canon Việt Nam, đối tác tại Hong Kong (Trung Quốc) và vừa được cấp mã nhà cung cấp TTI của Hoa Kỳ.

Trong quá trình đưa sản phẩm vào thị trường tiêu thụ quốc tế, một vấn đề mà doanh nghiệp nhận ra rằng, không phải công ty Việt Nam nào cũng đầu tư bài bản và khách, đối tác nước ngoài chưa có ấn tượng về sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo của nước ta.

“Họ vẫn nghĩ Việt Nam là nước nhỏ, không có nhiều sản phẩm chất lượng cao để cung ứng cho thị trường toàn cầu nên sẽ không quan tâm ngay từ đầu. Để khắc phục được những khó khăn đó thì doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng về công nghệ sản xuất, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và chất lượng sản phẩm. Có được 3 điều đó thì những đối tác trên thế giới sẽ dần chú ý đến doanh nghiệp.

Đặc biệt, sản phẩm khi ra thị trường quốc tế, tùy vào khách hàng nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu thì cần có chứng chỉ ISO 9001 chất lượng và ISO 14001 về môi trường là tối thiểu để “vào cửa”. Ngoài ra, giá cả sản phẩm cũng phải hợp lý để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác và đối tác mới quan tâm, đặt hàng lâu dài” - chị Trang chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn