MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Công xưởng" may đo Hà Nội tăng ca, đơn hàng dồn dập đổ về

Lan Nhi LDO | 03/12/2021 14:48

HÀ NỘI - Làng nghề may đo truyền thống xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) những ngày này đang huy động toàn bộ nhân lực để sản xuất những bộ veston có giá tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng trong vụ Tết.

Thích ứng trong dịch bệnh

Gần 20 năm kinh doanh, chuyên may đo quần áo veston, ông Đào Ngọc Hùng (chủ cơ sản xuất ở làng Từ Thuận) cũng đang tất bật hướng dẫn công nhân làm hàng cho vụ Tết. Gia đình ông đang phải tuyển thêm thợ, nhân công làm việc, đóng gói kiện hàng mà khách đã đặt cọc từ trước. 

Trong 2 năm qua, do dịch COVID-19, kinh tế ở làng nghề may đo truyền thống xã Từ Vân nói chung cũng bị ảnh hưởng. Nhiều xưởng sản xuất buộc phải thích nghi bằng cách đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online, cắt giảm nhân công, tinh gọn sản xuất.

Những tháng cuối năm, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, các xưởng may đo ở Từ Vân cũng đang chủ động dự trù trước nguồn nguyên liệu, trữ vải vóc trong kho để nhanh chóng vào guồng sản xuất.

  Nhiều xưởng sản xuất buộc phải thích nghi trong dịch COVID-19 bằng cách đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online, cắt giảm nhân công, tinh gọn sản xuất. Ảnh: Lan Nhi

Ông Đào Ngọc Hùng chia sẻ: "Đối với làng nghề, những tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. Trong dịch COVID-19, các xưởng sản xuất tại đây buộc phải thích ứng, tiên liệu trước thị trường, xu hướng ăn mặc để nhập đủ nguồn nguyên liệu cắt may. 

Nhằm duy trì nguồn thu ổn định, xưởng sản xuất nhà tôi những năm gần đây đang chú trọng việc hợp tác, bán hàng qua kênh thương mại điện tử, đa dạng hoá mẫu mã mặt hàng. Ước tính năm nay, xưởng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1-1,5 vạn bộ veston, comple".

  Ông Đào Ngọc Hùng đang kiểm tra lại các kiện hàng mà khách đã đặt cọc từ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ảnh: Lan Nhi

Để phục vụ người tiêu dùng trong cả nước, xưởng sản xuất của gia đình ông Trần Văn Vương (làng nghề may đo thôn Từ Thuận) cũng đang tranh thủ cắt may cả ngày lẫn đêm. Gia đình ông Vương cũng phải tuyển thêm khoảng 20 nhân công lao động, phụ việc làm thân áo trong dịp Tết sắp tới. 

Tất bật sản xuất vụ Tết

Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phải cho nhân công nghỉ việc nhiều ngày.... thế nhưng các xưởng sản xuất, cắt may ở làng nghề Từ Vân đã nhanh chóng vực dậy. Nhiều xưởng đang phải treo biển, tuyển thêm hàng chục nhân công lao động với mức lương ổn định để nhanh chóng hoàn thiện, phân phối sản phẩm đến 63 tỉnh thành. 

Đơn hàng dồn dập đổ về, nhiều xưởng sản xuất buộc phải tăng ca, tuyển thêm nhân công làm việc. Ảnh: Lan Nhi

Anh Đức - chủ cơ sở sản xuất (làng Từ Thuận) tâm sự: "Đây được coi là thời điểm vàng son của nghề may đo. Những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm, may veston, comple của người tiêu dùng trên cả nước rất lớn. Nhiều hôm xe chở hàng ra vào rầm rập, có xưởng mỗi vụ xuất đi hàng vạn bộ, doanh thu đạt chục tỉ đồng/năm".

Đơn hàng dồn dập đổ về, nhiều xưởng sản xuất như gia đình anh Đức những ngày này buộc phải tăng ca, tuyển thêm nhân công làm việc. Theo đó, những đơn đặt hàng chủ lực của các xưởng sản xuất tại đây phần lớn là nhờ vào mối quan hệ hợp tác, làm ăn lâu năm, "tiếng vang", uy tín của làng nghề tìm đến.

Nhiều xưởng sản xuất ở làng nghề Từ Vân đang phải treo biển, tuyển thêm hàng chục nhân công lao động với mức lương ổn định. Ảnh: Lan Nhi 

Linh hoạt ứng biến trước dịch bệnh, các xưởng may đo tại làng nghề truyền thống Từ Vân đang nhanh chóng khôi phục, giữ mức tăng trưởng dương dù sản lượng có sụt giảm. Đối với những xưởng sản xuất tại đây, dịch COVID-19 như một sự thử sức để họ nhìn nhận và đánh giá lại thị trường. Từ đó điều chỉnh mẫu mã, giá thành sản phẩm sao cho phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. 

Trao đổi với Lao Động, ông Đào Ngọc Tuý - Trưởng thôn Từ Thuận cho biết: Hiện tại thôn có khoảng 600 nhân khẩu, trong đó có 187 hộ kinh doanh làm nghề may đo truyền thống. Dịch COVID-19, hoạt động sản xuất tại làng nghề nhiều tháng cũng bị gián đoạn, phải đóng cửa hàng loạt. Gần đây, nhiều xưởng sản xuất đã nhanh chóng trở bắt nhịp trở lại, phục vụ sản xuất vụ lớn nhất trong năm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn