MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cúm gia cầm A/H5N1: Chợ truyền thống phòng chống, điểm bán tự phát phớt lờ

HẠ MÂY LDO | 01/03/2023 10:42

TPHCM - Trước nguy cơ xâm nhập của dịch cúm gia cầm A/H5N1, các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch phòng chống. Trong khi đó, nhiều điểm bán gia cầm tự phát xung quanh các chợ truyền thống, tuyến đường, các hoạt động vẫn diễn ra công khai.

Buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan

Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố như chợ Hoà Bình (Quận 5), chợ Bình Thới (Quận 11), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh),... có nhiều sạp hàng bày bán gia cầm sống, gia cầm đã qua chế biến. Việc phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 cũng được ban quản lý các chợ quan tâm hơn.

Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng ban quản lý chợ Bình Thới cho biết: "Ban quản lý đã ban hành kế hoạch số 89/KH-BQL ngày 26.2.2023 về phòng chống dịch cúm A H5N1 theo chỉ đạo của UBND Quận 11. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát nguồn hàng các loại gia cầm và trứng vào chợ. Phối hợp với Đội Quản lý thị trường 11 đã kiểm tra 1 đợt đối với thương nhân kinh doanh ngành hàng thịt và trứng gia cầm".

Điều đáng chú ý là nhiều khu chợ tự phát, điểm kinh doanh trái phép xung quanh các khu chợ truyền thống vẫn chưa được dẹp hoàn toàn. Đặc biệt, trong thời điểm nguy cơ xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1, những điểm buôn bán này là nơi buôn bán, giết mổ diễn ra công khai nhưng khó quản lý.

 Nhiều điểm bán gia cầm chưa qua kiểm dịch trước nguy cơ xâm nhập cúm A/H5N1 tại TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Ghi nhận tại đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn qua xã Bình Hưng, đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), tuyến đường An Dương Vương (quận Bình Tân),.... nhiều điểm bán để biển “gà thả vườn Bến Tre", “gà ta”, “gà trống, mái bao làm"…, với mức giá từ 80-100.000 đồng/kg và chưa qua kiểm dịch được bày bán ra cả lòng, lề đường. Khi nhìn thấy lực lượng chức năng từ xa, những người bán sẽ nhanh chóng đưa hàng vào phía bên trong, chờ đến khi lực lượng chức năng đi sẽ tiếp tục buôn bán.

"Tình trạng buôn bán gà, vịt lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra từ lâu. Vào giờ cao điểm, nhiều công nhân, người lao động tan làm về ghé vào mua rất đông, ùn tắc cả đoạn đường. Nước làm gia cầm và lông bay khắp nơi nhìn rất mất thẩm mỹ. Việc phòng dịch cúm gia cầm gần như không được đảm bảo" - bà Lê Thị Minh (sống tại huyện Bình Chánh) cho hay. 

Người dân cần nâng cao ý thức

Trao đổi với Lao Động, TS.BS Lê Văn Nhân - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người, trong đó có 64 ca tử vong. Đây là loại virus  nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao từ 50 - 90%, hiện chưa có thuốc trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

“Người dân cần nâng cao ý thức, không ăn tiết canh gia cầm, ăn thịt gia cầm, các loại chim trời không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc kiểm tra các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các điểm tự phát, chợ dân sinh” - bác sĩ Lê Văn Nhân cho hay.

 Người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng các sản phẩm từ gia cầm. Ảnh: Lê Vũ

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, đơn vị đang thực hiện các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1. Tổ chức công tác kiểm dịch tại gốc, giám sát tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Truyền thông để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm…

Phía Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng chỉ đạo các Đội thanh tra an toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm gia cầm tại các chợ đầu mối. Phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm tra nguồn gốc sản phẩm đông lạnh tại các kho bảo quản, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn