MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hải quan Lạng Sơn tăng cường kiểm tra, chống buôn lậu trong dịp cuối năm. Ảnh: KH

Cuộc chiến chống buôn lậu: Trăm cái khó bủa vây

Đức Thành LDO | 20/12/2018 07:00

Trong cuộc chiến chống buôn lậu, lực lượng Hải quan luôn đứng trong hàng ngũ nòng cốt, tinh nhuệ nhất. Thế nhưng, cơ chế càng mở, doanh nghiệp càng thuận lợi bao nhiêu thì cán bộ hải quan lại thêm phần trách nhiệm. Nhất là trong bối cảnh đối tượng buôn lậu có quá nhiều “công cụ” hợp pháp để lách luật như hiện nay, việc phối hợp thông tin một cách hiệu quả để Hải quan kịp thời ngăn chặn, xử lý từng vụ việc cụ thể trở thành vấn đề bức thiết.

Gọi Hải quan bắt chồng đánh bạc

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện công tác đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức, đại diện BCĐ 389 quốc gia đánh giá đường dây nóng của BCĐ đã bước đầu phát huy được hiệu quả, đã tạo điều kiện để mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể cùng tham gia vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, giúp cho các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với số lượng lớn và giá trị lớn. Tuy nhiên, đại diện BCĐ cũng thẳng thắn thừa nhận công tác tiếp nhận, xử lý và phối hợp thông tin cũng còn nhiều hạn chế.

Nói lên cái khó của việc tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: “Riêng về hải quan, việc chống buôn lậu có những đơn vị cụ thể có số điện thoại đường dây nóng riêng, địa chỉ liên lạc riêng để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ. Đặc biệt là 2 năm trở lại đây, Cục Điều tra chống buôn lậu được thành lập và điều tra hình sự là đơn vị đầu mối về điều tra để truy tố các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, đường dây sản xuất kinh doanh hàng cấm đến mức hình sự.

Đơn vị có số điện thoại đường dây nóng nhưng có cách xử lý khác so với đường dây nóng mang tính chất hành chính nghiệp vụ thông thường vì phải tiếp nhận và xử lý theo quy định về tố tụng hình sự, rất chặt chẽ, phải ghi chép rất cẩn thận từng giờ tiếp nhận và xử lý theo đúng trình tự tố tụng hay không để đảm bảo tính pháp lý khi phục vụ công tác truy tố, xét xử.

Số điện thoại 19009299 của đơn vị hiện đã khá là tiếng tăm trong ngành hải quan rồi. Cùng với rất nhiều kênh thông tin khác thì kênh đường dây nóng được đánh giá là rất quan trọng trong công tác tiếp nhận thông tin về các hành vi, tổ chức buôn lậu” - ông Quang nói.

Tuy nhiên, theo ông Quang, công tác tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng là công việc tưởng nhẹ nhàng nhưng thực chất rất nhiều khó khăn, vất vả, yêu cầu sự kiên trì, cùng nghiệp vụ vững chắc mới có thể phân loại, phân tích thông tin để báo cáo cấp trên đưa ra hướng xử lý kịp thời. Thế nhưng, nhiều khi có những thông tin báo không đúng, thậm chí “có hôm nửa đêm có số điện thoại gọi đến tố cáo một vụ đang đánh bạc, cô vợ biết chồng đang đánh bạc gọi không về thì gọi cho đường dây nóng, cứ nghĩ đường dây nóng là giải quyết hết. Dù đã giải thích đây là đường dây nóng của lực lượng hải quan thì chỉ tiếp nhận thông tin liên quan đến buôn lậu thôi nhưng người ta lại quát mình luôn…” - ông Quang chia sẻ.

Buôn lậu thoát “việt vị” vì cơ chế thoáng

Đường dây nóng cũng có nhiều vụ việc mang tính cấp bách nhưng khi chuyển thông tin đến các đơn vị chức năng thì thông tin lại bị chậm. “Đặc biệt một số vụ việc thông tin chuyển cho Hải quan chậm tới vài ngày, trong khi vụ việc xảy ra ở sân bay các đối tượng nhận hàng rất nhanh, thậm chí tính theo phút hoặc vài chục phút. Vì thế đề nghị ngoài việc chuyển thông tin qua văn bản chính thức ra, cần phải có giải pháp để chuyển thông tin nhanh nhất, khi tiếp nhận thông tin kịp thời triển khai xử lý.

Đồng thời, cũng cần phân loại những thông tin chuyển tải nhưng phải theo chế độ mật, vì nếu nhiều người biết thì có thể đối tượng buôn lậu cũng biết và đối phó. Khi họ đối phó rồi thì chúng ta hoàn toàn không có lợi. Như vậy sẽ giúp cho công tác chuyên môn hoạt động một cách hiệu quả” - ông Quang đề nghị.

Ngoài việc đề nghị phối hợp thông tin chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, việc chuyển tải thông tin cũng cần phải có kỹ năng, bởi “nếu không thông tin bung ra ngoài đối tượng buôn lậu kịp thời đối phó. Nhất là trong hải quan thì chúng tôi vừa phải thực hiện các quy định của luật pháp Việt Nam đồng thời thực hiện các quy định, điều ước, pháp luật, tập quán quốc tế mà Việt Nam tham gia nên không phải vụ việc gì cũng có thể bắt giữ được ngay.

Đối tượng buôn lậu nhiều khi khôn khéo lợi dụng những điều đó để chuyển hóa, thành ra chuyện bình thường. Ví dụ doanh nghiệp tự khai báo và chịu trách nhiệm, hệ thống máy tính tiếp nhận và tự động phân loại, chỉ còn những thứ rủi ro rất cao đọng lại để trực tiếp kiểm tra.

Như vậy là chỉ có thông tin được tiếp nhận chính xác, kịp thời thì anh em mới có thể can thiệp vào quá trình để dừng lại chưa cho thông quan. Nhưng làm không khéo, đối tượng sớm biết lại có quyền khai báo trước khi kiểm tra (khai bổ sung) thì lại thành chuyện bình thường. Nên phải làm sao để chúng ta vừa có thông tin, vừa đưa đối tượng vào thế “việt vị” mới có thể bắt được” - ông Quang đề nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn