MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu thị Big C luôn đầy ắp hàng để phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Cường Ngô

Đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá phục vụ người dân

Cường Ngô - Khánh Vũ LDO | 16/03/2020 07:58
Để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân và giảm bớt tụ tập đông người, một nhóm hành động đã được doanh nghiệp cung ứng triển khai. Điển hình như việc nhiều siêu thị ở Hà Nội đã kích hoạt chương trình bán hàng qua điện thoại, ứng dụng...  

Xây dựng kịch bản đảm bảo hàng hoá, giá cả thị trường

Sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào khuya 6.3, thì ngay sáng 7.3, ở các chợ dân sinh, siêu thị Hà Nội, người dân đổ xô mua hàng tích trữ, dẫn đến tình trạng quá tải và cháy hàng cục bộ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã lập tức chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị để bàn giải pháp ứng phó, bình ổn thị trường. Một ngày sau đó, các chợ, siêu thị không còn cảnh tranh giành, vơ vét mua hàng hóa tích trữ, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa.

Ngày 11.3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ban hành Chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản ứng phó, triển khai các kế hoạch hành động, xử lý ngay những vấn đề phát sinh. Như chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước theo sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với các Sở Công Thương triển khai các biện pháp, nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội. Yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải phối hợp với các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến.

Đối với ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, để giảm thiểu những tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường xuất khẩu trong mọi hoàn cảnh.

“Ngành Nông nghiệp cần vượt qua nghịch cảnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước; tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh, không để khan hàng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện để khi dịch bệnh đi xuống, chúng ta có sẵn nền tảng, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp” - ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Siêu thị bán hàng tận nhà cho khách hàng

Để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân và giảm bớt tụ tập đông người, một nhóm hành động cũng được doanh nghiệp cung ứng triển khai. Điển hình như việc nhiều siêu thị ở Hà Nội đã kích hoạt chương trình bán hàng qua điện thoại, ứng dụng.  

Ngày 15.3, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Sài Gòn Co.op cho biết, toàn bộ các hệ thống gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile sẽ tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại từ ngày 16.3. Theo đó, các siêu thị sẽ gửi đến tận nhà người tiêu dùng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm (thực phẩm tươi sống; thực phẩm công nghệ thiết yếu; hóa phẩm). Người tiêu dùng chọn lựa và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn...).

“Các chi nhánh Saigon Co.op ở Hà Nội như Co.opmart/Co.opmart SCA/Co.op Food mở cửa đến 23h hằng ngày theo chỉ đạo của Chính phủ. Saigon Co.op cũng ghi nhận đơn đặt hàng qua điện thoại tăng cao, có nơi gấp 10 lần so với tháng bình thường. 

Ngoài ra, chúng tôi còn là thành viên của Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19, đã chuẩn bị kỹ các phương án dự trữ - cung ứng hàng. Trong đó, bao gồm làm việc với các nhà cung cấp để tăng sản lượng đặt hàng, phương án lưu kho, dự trữ và đặc biệt là phương án tổ chức giao hàng sao cho vừa kịp thời đưa hàng đến với người tiêu dùng trong những khu cách ly vừa bảo đảm an toàn cho cán bộ công nhân viên đơn vị, đặc biệt là bộ phận trực tiếp giao hàng”, đại diện Sài Gòn Co.op khẳng định. 

Tương tự, Big C cũng vừa kích hoạt áp dụng dịch vụ đặt hàng qua số hotline. Mua hàng có hóa đơn từ 200.000 đồng sẽ được giao miễn phí trong phạm vi 10km. VinMart, VinMart+ cũng đang bán các gói hàng nhu yếu phẩm theo hai cách: Mua tại cửa hàng, hoặc gọi nhân viên giao tới nhà. Hệ thống siêu thị Lotte Mart, thay vì gọi điện thoại, khách hàng sẽ được đặt hàng qua ứng dụng Speed L, thanh toán tiền mặt khi giao hàng hoặc qua thẻ, ví điện tử. Các siêu thị đều cho biết đã tăng hàng trữ hơn 40% so với ngày thường. Họ liên tục họp với nhà cung ứng để đảm bảo đủ nguồn hàng, tăng công suất sản xuất các nhu yếu phẩm cần thiết.

Trao đổi với PV, bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam - cho biết, Công ty MM Mega Market Việt Nam (MM) đã phối hợp với nhà cung cấp, nông dân để tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20 - 40% so với kế hoạch nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“MM đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá - bà Nga nói và cho biết. Hiện các mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... đã được MM tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng hàng lên từ 190% đến 1.500% để đưa vào hệ thống phục vụ khách hàng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn