MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách lựa chọn những bó đào, mận trưng Tết. Ảnh: Khánh Linh

Đào Tết xuống núi và hy vọng của vùng trồng đào nổi tiếng ở Sơn La

Khánh Linh LDO | 30/01/2024 06:41

Sơn La - Cùng với những cành đào Tết xuyên màn sương lần lượt đi xuống núi, là những hy vọng về một cái tết đủ đầy của người nông dân ở vùng đào nổi tiếng Vân Hồ.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, hàng nghìn cành đào vẫn xuyên qua màn sương mù, từ huyện vùng cao Vân Hồ, đi hàng trăm cây số để xuống núi phục vụ người dân miền xuôi chơi Tết.

Trên Quốc lộ 6, đào được bày bán chủ yếu ở 3 điểm tại các bản Chiềng Đi (xã Vân Hồ), bản Co Chàm (Lóng Luông) và ngã ba Vân Hồ.

Trong cơn mưa phùn rét buốt của miền Tây Bắc, lần lượt từng cành đào đang hé nụ, thân mốc trắng được đưa từ núi xuống, chất lên xe để chở về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Đào núi Vân Hồ lên xe “xuống núi“. Ảnh: A Chu

Nhanh tay níu những cành đào cẩn thận lên nóc ô tô để khách về xuôi, Mùa A Anh (bản Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) chia sẻ: "Năm nay giá cả đào bấp bênh, cũng không còn được ổn như mấy năm trước. Một phần do các cây già, đẹp đã bán gần hết, hiện nay chỉ còn những cây khoảng 10 năm tuổi đổ lại, một phần cũng do kinh tế năm nay khó khăn".

Theo người đàn ông người Mông này, vùng Vân Hồ trước đây nổi tiếng với những cây đào rừng, nằm tận trong khe sâu, thân cây rêu bao phủ, mốc trắng. Những cây đào như thế, chỉ cần tìm được, thương lái sẽ trả rất cao.

"Nói là đào rừng, nhưng thực chất là đào được người dân trồng trong rừng, chủ yếu để ăn quả, lâu dần qua thời gian cây trở nên già và có những nét đặc trưng. Thế nhưng bây giờ những loại cây như thế không còn nữa, chỉ còn đào bà con nơi đây trồng.

Đào được trồng trên những mảnh nương khô cằn, không thể trồng ngô, sắn thì được tận dụng để trồng đào" - anh A Anh chia sẻ.

Cũng theo người đàn ông này, dù là vùng trồng đào nổi tiếng nhưng đào Vân Hồ ngày càng phải cạnh tranh với các loại đào ở nơi khác. Năm nay đào Vân Hồ tiêu thụ chậm hơn năm ngoái, tuy nhiên là dòng đào đã có tiếng nên toàn khách và thương lái quen đến lấy.

Những cây đào núi ngậm đầy hơi sương. Ảnh: A Chu

Sinh kế bền vững cho người dân huyện nghèo vùng cao

Theo người trồng đào nơi đây, dù giá cả năm nay không được như những năm trước, thế nhưng, với người dân các xã Lóng Luông, Vân Hồ, Xuân Nha - những địa phương có diện tích đào lớn trên địa bàn huyện Vân Hồ, những năm gần đây, cây đào đã trở thành sinh kế bền vững cho bà con dân tộc Mông nơi đây.

Trò chuyện với PV, anh Giàng A Khố (bản Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) cho hay, nhu cầu chơi đào dịp Tết đã giúp anh cùng những gia đình khác có một khoản đáng kể để mua sắm cho Tết.

Từ việc nổi tiếng của vùng trồng đào Vân Hồ đã phát sinh thêm các dịch vụ chuyên chở, chuyên chặt đào hoặc thậm chí thuê trông, bán đào dịp Tết, mỗi ngày thuê 300.000 đồng.

“Chợ đào” dọc Quốc lộ 6. Ảnh: Khánh Linh

"Trung bình mỗi vụ đào, người dù biết chữ, biết nói sõi tiếng kinh hay không thì cũng thu khoảng 10 triệu đồng, một gia đình khoảng 3-4 người cùng đi làm thì cũng thu được 30 - 40 triệu đồng. Đối với nhiều gia đình, số tiền này vừa có thể mua sắm Tết, vừa để dành cho con đi học. Gấp mấy lần so với làm một vụ ngô cả năm trời - anh A Khố nói.

Những năm gần đây đào Sơn La đã không còn gắn tem truy xuất nguồn gốc, phân biệt giữa đào trồng và đào rừng.

Trao đổi với PV, ông Thái Bá Sinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: “Tết Nguyên đán năm 2021, liên quan đến việc cấm chặt, kinh doanh đào rừng của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Vân Hồ đã phát hành tem cho cây đào trồng”.

Theo ông Sinh, tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy diện tích đào ở Vân Hồ chủ yếu là đào trồng, không còn đào tự nhiên, nên việc dán tem đã được bỏ.

Thay vào đó, việc quảng bá sản phẩm đào Vân Hồ hiện nay được triển khai bằng việc đăng thông tin trên trang thông tin điện tử của huyện và thông qua Lễ hội hoa đào huyện Vân Hồ.

Cũng theo phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ, toàn huyện hiện nay vẫn có khoảng 500ha đào các loại, tập trung ở 2 xã Lóng Luông, Vân Hồ ven Quốc lộ 6. Trong đó, năm nay, diện tích đào lấy hoa chiếm hơn 200ha và diện tích này vào năm nay có thể khai thác để phục vụ Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn