MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt đang tạo áp lực đến kho bãi. Ảnh: PV

“Đau đầu” vì rác phế liệu ngập cảng

Linh Chi LDO | 15/08/2018 17:30

Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” không đến nhận hàng khiến các cảng biển đang “ngập” container phế liệu. Mới đây, 5 container loại 40 feet chứa phế liệu nhập khẩu rác thải nhựa bốc mùi hôi thối bị buộc phải tái xuất khỏi cảng Hải Phòng. Nếu không có các biện pháp quyết liệt, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải của thế giới.

Rác thải nhựa “đội lốt” phế liệu nhựa

Theo thông tin trên vận đơn, các container trên ghi là phế liệu nhựa, nhưng thực tế, khi hải quan mở container, toàn bộ hàng hóa là rác thải nhựa. Cả 5 container bị tái xuất tại Hải Phòng có nguồn xuất phát từ Úc. Người gửi là chủ hàng tại Hồng Kông gửi cho 1 doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã từ chối nhận lô hàng trên.

Khi đại diện của Tổng Cục Hải quan cùng các đơn vị chức năng, Cục Hải quan Hải Phòng tiến hành kiểm tra, tất cả 5 container trên đều chứa rác nhựa chảy nước lênh láng và bốc mùi hôi thối. Đây là trong số các container tồn đọng quá 30 ngày tại Chi cục Hải quan Đình Vũ.

Điều đáng nói, đây chỉ là 5 trong số nhiều container tồn đọng quá 90 ngày tại cảng biển khu vực thành phố Hải Phòng. Trong đó, đa số các container tồn đọng là phế liệu nhựa.

Không chỉ có cảng Hải Phòng, mà ngay cả cảng ở TPHCM cũng đang đau đầu vì hàng nghìn container tồn quá 90 ngày. Đại diện Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, việc giải phóng trên 3.000 container hàng phế liệu tồn tại cảng không hề đơn giản.

Rác thải nhựa tồn ứ tại cảng Việt Nam

Theo các chuyên gia, nguyên nhân tồn đọng số lượng lớn các container phế liệu tại khu vực cảng Hải Phòng là do từ 1.1.2018, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan, hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, cần có chế tài để xử phạt những doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu và bỏ chạy không đến cảng nhận hàng. Đồng thời, có phương án để giải phóng lượng phế liệu đang tồn đọng ở các cảng nhằm đảm bảo kho bãi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua. Đồng thời, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.

Đại diện của Tổng Cục Hải Quan kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa danh sách các doanh nghiệp được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giấy thông báo lô hàng nhập khẩu lên cổng 1 cửa để cơ quan hải quan có đủ tư liệu đối chiếu.

Để tránh tình trạng biến Việt Nam trở thành bãi rác, đại diện Cục trưởng Cục giám sát quản lý đề xuất đối với hàng hóa phế liệu đã tồn đọng tại cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể, đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn