MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phế liệu không đạt tiêu chuẩn NK lậu vào Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: T.H

“Đau đầu” xử lý 3.000 container hàng phế liệu “vô chủ”

Khánh Vũ LDO | 27/07/2018 14:00
Tình trạng nhập khẩu (NK) phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy cho môi trường Việt Nam. Việc hiện còn trên 3.000 container phế liệu “vô chủ” tại cảng Cát Lái là vấn đề nghiêm trọng, cần được xử lý dứt điểm. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình NK phế liệu vào Việt Nam chiều 25.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khởi tố những trường hợp NK trái phép phế liệu vào Việt Nam.

Doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”

Sau khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tập trung rà soát các container hàng đã cập cảng trên 30 ngày để đối chiếu với hãng tàu, sau đó làm thủ tục phân loại hàng hóa, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã xác định có hơn 3.000 container hàng hóa lưu tại cảng Cát Lái trên 90 ngày chưa có người nhận. Để xử lý số hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, ngày 4.7.2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã thông báo tìm chủ của 2.514 container hàng. Trước đó, vào cuối tháng 6.2018, chi cục này cũng đã thông báo truy tìm chủ nhân của 534 container hàng tồn đọng được thống kê đến ngày 12.3.2018, tại cảng Cát Lái nhưng chưa có người đến nhận.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn, thực ra các doanh nghiệp (DN) NK phế liệu biết rất rõ các quy định của pháp luật trong việc đưa phế liệu về Việt Nam, nhưng vì lợi nhuận, không ít DN dù chưa có đủ điều kiện để NK phế liệu nhưng đã tìm mọi cách đưa phế liệu cập cảng Việt Nam. Thậm chí, việc NK nhanh đến mức, phế liệu đã cập cảng nhưng thủ tục vẫn chưa xong (Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất - PV), nên các doanh nghiệp đã “bỏ của chạy lấy người”, từ chối nhận hàng, nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Không để Việt Nam thành bãi thải phế liệu

Phát biểu kết luận cuộc họp chiều 25.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan cần rà lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu; kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc, điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu “vô chủ” đã vào Việt Nam, chiếm không gian lớn tại các cảng; làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các container phế liệu. Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra việc cấp phép thời gian qua, xử lý nghiêm cán bộ, doanh nghiệp vi phạm; tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay. Phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân. Làm rõ tác động từng sản phẩm phế liệu, từ đó, nêu rõ cơ sở cần thiết để có danh mục phế liệu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam với tinh thần là giảm danh mục tối đa, tránh những hệ lụy từ các phế liệu NK này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cũng phải rà lại vấn đề tạm nhập tái xuất phế liệu…

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép - Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, tại cảng Tân Cảng - Cái Mép đang ùn ứ 2.000 container phế liệu. Số phế liệu này do các doanh nghiệp NK có cảng đích là cảng Tân Cảng Cát Lái - TPHCM được tàu cập cảng Tân Cảng - Cái Mép chờ chuyển về TPHCM làm thủ tục nhận hàng. Tuy nhiên, do từ ngày 1.6.2018, Tân Cảng - Cát Lái ngừng tiếp nhận mặt hàng phế liệu nên phế liệu ùn ứ tại cảng rất lớn.

Hiện nay cảng Tân Cảng - Cái Mép còn tồn 133 container phế liệu nhựa NK về cảng này nhưng doanh nghiệp chưa làm thủ tục nhận hàng. Trong đó, có 78 container đã cập cảng quá 90 ngày, số còn lại có thời gian lưu cảng từ 30 đến dưới 90 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn