MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lò mổ lợn sạch của ông Nguyễn Bá Thành ở Trảng Bom đầu tư 20 tỷ đồng nhưng trùm mền nhiều tháng nay. Ảnh: PV

Đầu tư 20 tỉ đồng cho lò mổ sạch rồi trùm mền, bỏ trống

HÀ ANH CHIẾN LDO | 13/07/2019 07:31
Trong khi dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh phía Nam đang ngày càng diễn biến phức tạp thì tại Đồng Nai, các lò giết mổ lợn lậu vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh từng khẳng định, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan một phần là từ các lò heo mổ lậu; tỉnh sẽ xử lý nghiêm... 

Giết mổ lậu vẫn hoành hành

Tại H.Thống Nhất, cơ quan chức năng liên tục xử lý nhiều lò mổ lợn lậu, trong đó có những lò “tái đi tái lại”. Mới đây, cơ quan chức năng H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã triệt phá lò mổ heo lậu quy mô lớn do bà Mai Thị Thanh T (ngụ xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) làm chủ. Đáng nói, lò mổ này từ đầu năm 2018 đã bị phạt 4 lần về hành vi giết mổ heo lậu, xử phạt hàng chục triệu đồng nhưng vẫn tái phạm.

Đầu tháng 6.2019, Công an huyện Xuân Lộc cũng phối hợp với lực lượng chức năng huyện kiểm tra đột xuất hộ ông Lê Thái D (40 tuổi, ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc), phát hiện gia đình ông đang giết mổ heo trái phép. Ngoài số heo chết, biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối, cơ quan chức năng còn phát hiện cơ sở ông D có 13 con heo, trong đó có 7 con có dấu hiệu mắc bệnh.

Đầu năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số 285/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh quy hoạch 49 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, xóa bỏ toàn bộ các điểm giết mổ ngoài quy hoạch trên và giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng giết mổ không phép.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhiều lần thể hiện quan điểm phải xử lý nghiêm các lò giết mổ lậu, nhằm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi cũng như để tăng cường quản lý nhà nước.

Sau quyết định 285/QĐ-UBND, có khoảng 30 lò mổ lợn sạch được đầu tư bài bản, quy mô lớn tại Đồng Nai. Trong đó có nhiều lò mổ được đầu tư theo dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) kèm theo “cam kết” của địa phương sẽ dẹp sạch các lò mổ lợn lậu để giúp các lò mổ theo quy hoạch được hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều lò mổ đã đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng hoạt động thoi thóp, chờ phá sản vì lò mổ lợn lậu vẫn hoạt động tràn lan, lò mổ sạch không có lợn để mổ mà phải “trùm mềm”.

Lò mổ sạch công suất 500 con nhưng chỉ mổ được 2 con

Điển hình nhất là tại cơ sở giết mổ tập trung của ông Nguyễn Bá Thành, tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom - huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai công bố dịch tả lợn Châu Phi. Ông Thành đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây dựng lò mổ lợn, bò, gà trong đó chủ lực là mổ lợn. Sau khi khánh thành, ông Thành cũng được huyện hứa sẽ xử lý các lò mổ lậu, cơ sở nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch để đưa heo vào lò mổ tập trung.

Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng thì lò mổ của ông Thành vẫn đang phải “trùm mền”, 20 tỉ đồng đầu tư vì mục đích đảm bảo heo sạch cho tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể phát sinh hiệu quả. “Cách đây nửa tháng chỉ có một người vào mổ hai con lợn mà công suất nhà máy là 500 con, chúng tôi đã bỏ trống lò mổ mấy tháng nay” - ông Thành bức xúc. Thiệt hại đối với ông Thành hiện nay là rất lớn, ngoài số vốn đã đầu tư, thì các khoản tiền lãi, tiền nợ ngân hàng vẫn đến hằng tháng, khiến ông Thành phải bán nhà cửa để trả nợ.

Hiện tại, ông Thành vẫn đang phải chi phí tiền để thuê người trông coi bảo vệ, hệ thống xử lý nước thải tập trung, máy móc phục vụ hoạt động giết mổ lợn đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị huyện nhưng vẫn chưa được xử lý” - ông Thành nói.

Tương tự, bà Hoàng Thị Liêm - chủ cơ sở giết mổ Hoàng Thị Liêm, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch - đã phải tới tận các buổi tiếp xúc cử tri để nêu lên những kiến nghị, bức xúc của mình. Bà Liêm cho biết, từ nguồn tích lũy của gia đình, sự hỗ trợ của Dự án Lifsap và nguồn vốn vay ngân hàng tổng cộng 12 tỉ đồng đầu tư để xây dựng lò mổ sạch Hoàng Thị Liêm và trở thành lò mổ tập trung đầu tiên của H.Nhơn Trạch. Lò mổ có diện tích trên 8.000m2, nhưng hoạt động hơn 1 năm nay liên tiếp gặp thua lỗ. Bà Liêm cho biết: Mặc dù lò mổ hiện đại, quy mô lớn đảm bảo đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phải chăng nhưng chưa bao giờ vượt qua số lượng 20 con lợn giết mổ mỗi ngày/500 con lợn/ngày theo công suất thiết kế.

Bà Liêm đưa danh sách 25 hộ giết mổ của 3 xã trên địa bàn huyện Nhơn Trạch nhưng không có hộ nào đưa vào giết mổ lợn tại cơ sở của bà Liêm. “Đa phần lợn đều được đưa vào giết mổ ở các lò mổ lợn lậu, còn chỉ đưa một vài con lợn mổ tại lò mổ tập trung để đối phó” - bà Liêm bức xúc.

Tỉnh Đồng Nai hiện có 74 lò mổ có thú y kiểm soát. Trong đó, có 33 lò mổ tập trung được Dự án Lifsap tài trợ với công nghệ, hệ thống dây chuyền giết mổ hiện đại. Tuy nhiên, theo tính toán, vào những lúc cao điểm nhất, tổng công suất của 33 lò này cũng chưa đạt đến con số 50% công suất thiết kế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn