MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá phân bón tăng cao, vụ lúa hè thu người trồng lúa ĐBSCL chưa chắc có lãi cao như vụ Đông Xuân. Ảnh: Nhật Hồ

ĐBSCL: Phân bón tăng giá chóng mặt

NHẬT HỒ LDO | 09/03/2021 08:37
Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, vụ lúa Đông Xuân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa trúng mùa, trúng giá. Rất nhiều hộ nông dân sau khi trừ chi phí mỗi hécta lãi đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, niềm vui này chưa được bao lâu, hàng chục nghìn nông dân đón nhận tin không vui là giá phân bón cũng tăng một cách… phi mã.

Chóng mặt với giá phân bón

Giá các loại phân bón tại ĐBSCL tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2021, đặc biệt phân Ure tăng đến 37%.

Giá bán ra phân Ure tại các đại lý hiện dao động từ 9.400 - 9.500 đồng/kg, tương đương 475.000 đồng/bao phân 50kg; phân NPK khoảng 11.000 đồng/kg, tương đương 550.000 đồng/bao; phân DAP từ 13.000 - 15.000 đồng/kg tùy nguồn gốc sản xuất.

Hiện nay DAP Đình Vũ có giá rẻ nhất so với các loại DAP nhập khẩu, giá khoảng trên dưới 12.000 đồng/kg, DAP Korea và DAP Philippines giá bán gần 15.000 đồng/kg. Giá phân Ure nhập khẩu về tới cảng Việt Nam khoảng 9.300 đồng/kg, cộng với thuế, phí lên khoảng 10.000 đồng/kg.

Theo Cty CP phân bón Dầu khí Cà Mau, nguyên nhân giá phân bón tăng là do nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón mà cụ thể là Ure phụ thuộc nhiều vào giá khí, vì DCM mua giá khí thì phụ thuộc vào giá dầu.

Giá thành sản xuất phân Ure của DCM có gần 50% đến từ giá khí nguyên liệu. Giá dầu thô Mỹ (WTI) đã tăng 25,9% kể từ đầu năm, từ 47,56 USD/thùng lên 59,9 USD/thùng. Giá dầu đang dự báo trong quý II có thể tăng cao hơn nữa.

Ông Huỳnh Thái Thông, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng sản xuất trên 20ha lúa lo lắng: “Giá phân bón tăng thế này, vụ hè thu tới chắc chắn người trồng lúa chúng tôi không lãi nhiều. Bởi vụ hè thu cây lúa rất cần phân bón”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hậu, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu tính toán: “Giá lúa vụ hè thu có thể sẽ không thể cao như hiện nay, có thể bằng với giá các công ty lương thực bao tiêu (6.300 đồng/kg), nhưng giá phân bón tăng đến gần 40% so với đầu vụ thì chắc chắn nông dân chúng tôi sẽ không có lãi nhiều”.

Trước tình trạng giá phân bón tăng mạnh, ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu cho rằng các doanh nghiệp sản xuất cam kết không khan hiếm phân bón, chính vì vậy các đại lý đường vội tích trữ phân bón. Bởi điều này làm cho thị trường phân bón lộn xộn hơn.

Chuyển tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Trước diễn biến của giá phân bón ngay từ đầu năm, khả năng sẽ còn tiếp tục tăng theo giá xăng, dầu các tỉnh ĐBSCL xem đây là cơ hội để thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu khuyến cáo: “Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân chọn giống tốt, ít sâu bệnh, sử dụng phân bón hợp lý để tiết kiệm chi phí. Về lâu dài cũng cần tính toán hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả. Lấy hiệu quả sản xuất, lợi nhuận mang đến làm chiêu chuẩn để phát triển”.

Tại cuộc họp đầu năm, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị “tâm tình” với ngành nông nghiệp tỉnh: “Sản lượng, năng suất cây lúa đều tăng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần phải điều tra cụ thể, người nông dân lời bao nhiêu trên từng cây trồng, vật nuôi mà họ đã nuôi trồng. Trúng mùa, trúng giá là mừng, nhưng quan trọng là lợi nhuận đem lại cho người dân”.

Ngày 4.3, tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh: “Để nông nghiệp thật sự trụ vững và giữ vai trò là bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế của cả nước, cần thiết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ qua việc hình thành các sản phẩm nông nghiệp nông thôn, các mô hình nông nghiệp xanh phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch.

Đã đến lúc cần thiết chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp: Sản xuất phải có sự tính toán rõ ràng, sản xuất cái gì, lợi nhuận như thế nào và nhu cầu thị trường ra sao”.

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chắc chắn sẽ còn biến động. Người trồng lúa, làm nông nghiệp sẽ chịu tác động mạnh khi chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Nếu không thay đổi tư duy trong nông nghiệp, tại ĐBSCL những cánh đồng lúa vàng mơ trong khi người nông dân… mờ con mắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn