MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm 2018. Ảnh: PV

Để con tôm Việt Nam tiến xa hơn

L.Hương LDO | 09/05/2018 14:30
Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) Thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, Việt Nam có kế hoạch tập trung đẩy mạnh sản xuất và XK tôm hướng tới mục tiêu 10 tỉ USD năm 2025.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần đẩy mạnh việc sản xuất tôm sạch, không kháng sinh và tạp chất. Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng XK thủy sản đạt gần 1,7 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng con tôm đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 18% (tôm chân trắng: 481 triệu USD, tăng 29%, tôm sú 145 triệu USD, giảm 13%).

Tôm sạch, không kháng sinh và tạp chất

Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP)- cho biết, mặt hàng tôm được xác định là mặt hàng chủ đạo của nhóm hàng thủy sản XK của VN trong ít nhất 10 năm tới, với cơ cấu chiếm 45-75% tổng kim ngạch XKTS của VN.

Ngoài những lợi thế căn bản về sản lượng, có tôm sinh thái, cơ cấu tôm thẻ - tôm sú, hàm lượng GTGT cao, công nghệ chế biến hiện đại, còn khả năng về nguồn nhân lực, đầu tư lớn của tư nhân, khẳng định về chất lượng, hệ thống kiểm soát của nhà nước đã được công nhận… thì 2 vấn đề “lây nhiễm kháng sinh” và “tạp chất” vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến SX-XK tôm của VN.

Đây cũng là 2 vấn đề khiến cộng đồng các DN phải gia tăng hơn rất nhiều các hoạt động kiểm soát - kiểm nghiệm chất lượng ‘theo chuỗi”, “tại nguồn” và “thành phẩm” khiến chi phí SX tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, hạn chế khá nhiều nguồn hàng để đảm bảo giữ uy tín hàng hóa và niềm tin của khách hàng.

”Đây là 2 vấn đề mấu chốt cần tập trung có mục tiêu một cách hiệu quả và càng sớm càng tốt. Tôm “không kháng sinh” và “không tạp chất” sẽ là nền tảng để gia tăng được nhiều hơn nữa khả năng XK tôm Việt Nam trong thời gian tới,”- ông Trương Đình Hoè nói.

Đẩy mạnh XK chính ngạch sang Trung Quốc

Trong khi nhu cầu các sản phẩm cá tra chất lượng cao và hàng GTGT có xu hướng hồi phục tại các thị trường lớn như EU, Mỹ thì tình hình khan hiếm nguyên liệu trong nước đang là vấn đề của ngành cá tra, nhất là khi thương lái Trung Quốc ra sức thu mua cá tra, bất kể chất lượng, đem gia công và tăng trọng... để XK qua biên giới.

“Việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra XK đi Trung Quốc đang được gia công chế biến tràn lan sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường XK khác trong khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng cá tra.

Quan trọng hơn, Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là 1 thị trường đang phát triển và nhạy cảm với các vấn đề ATVSTP nên người tiêu dùng TQ đã tìm kiếm những sản phẩm NK được chấp nhận tại thị trường Âu, Mỹ trong đó có sản phẩm các tra Việt Nam,” - đại diện VASEAP cho biết.

Hiệp hội VASEP xin kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thủy sản XK đi TQ bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc Chứng thư chất lượng ATVSTP trước khi XK. Đồng thời kiến nghị Chính Phủ có chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản XK cho thị trường Trung Quốc hiện nay để bảo đảm chất lượng thủy sản XK.

Thúc đẩy xuất khẩu tại thị trường trọng điểm

Cái mà Việt Nam còn yếu là cơ sở dữ liệu để phục vụ cho hoạt động truy xuất nguồn gốc trong ngành thủy hải sản.

Các yêu cầu thực hiện của IUU đang và sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủy sản (bao gồm cả hải sản khai thác và thủy sản nuôi) sang các thị trường lớn trên thế giới, trước hết là thị trường EU và Hoa Kỳ, 2 thị trường đứng đầu trong kim ngạch XKTS của Việt Nam.

Từ ngày 23.10.2017, EU đã ban hành cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, sau khi VN đã nỗ lực áp dụng các quy định IUU của EU từ đầu năm 2010. Hoa Kỳ cũng có quy định về việc các nước XKTS (13 loài, trong đó có tôm) phải tuân thủ các yêu cầu nhằm chống lại khai thác bất hợp pháp IUU từ ngày 1.1.2018.

Nâng cấp hạ tầng giao thông ở ĐBSCL

Mặc dù thủy sản là một trong những ngành hàng SX - XK chủ lực của ĐBSCL và của cả nước. Tuy nhiên, chiến lược về hạ tầng giao thông phục vụ & thúc đẩy kinh tế xuất khẩu của Vùng còn chưa tương xứng. Phần lớn hàng xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng vẫn phải vận chuyển lên TPHCM.

Trong khi đó, chi phí cầu đường trong vận chuyển đường bộ tại ĐBSCL và Trung tâm vùng là Cần Thơ đang ngày càng lớn và trở thành gánh nặng cho các DN hiện nay trong vùng, đặc biệt đang trở thành mối quan ngại cho các DN vừa và nhỏ.

Theo ông Trương Đình Hoè, VASEP đang kiến nghị Chính phủ có giải pháp nạo vét luồng lạch, chính sách giá xếp dỡ và phí luồng hàng hải để khuyến khích các hãng tàu quốc tế mở tuyến cố định và triển khai đưa tàu container vào Cảng Cái Cui cũng như các cảng quốc tế để phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí cho DN, giảm áp lực giao thông đường bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn