MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất Hà Nội trích ngân sách mua khẩu trang cho người dân

Cường Ngô LDO | 21/03/2020 17:15
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang khẳng định - họ có đầy đủ năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường, song đầu ra rất khó khăn. Chính vì vậy, đề xuất Hà Nội "trích một phần ngân sách thành phố để mua khẩu trang cho người dân".

Báo cáo tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu với UBND thành phố Hà Nội vào chiều 21.3, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từng có tình trạng nhiều người lo lắng đã đến các trung tâm thương mại để mua, tích trữ hàng hoá.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngay sau đó đã chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp cung ứng tăng cường hàng hoá trong các siêu thị, đảm bảo nhu cầu của người dân.

Theo bà Lan, Sở Công Thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến nay các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên, gấp từ 300 - 500% so với bình thương đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỉ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online qua website, app trên điện thoại, đặt điểm giao nhận tại các chung cư, cơ quan, công sở. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Khải Hoàn - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, Cục Công nghiệp đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, nhiều doanh nghiệp khẳng định - họ có đầy đủ năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường, song đầu ra rất khó khăn. Chính vì vậy, Cục Công nghiệp đề xuất Hà Nội "trích một phần ngân sách thành phố để mua khẩu trang cho người dân".

Ông Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp, cho rằng, trong công tác chuẩn bị hàng hoá ứng phó với dịch COVID-19, có hai vấn đề rất quan trọng, đó là cân đối cung cầu và điều tiết cung cầu.

Theo đó, việc trước mắt phải theo dõi diễn biến, tình hình thị trường, phối hợp với doanh nghiệp triển khai các biện pháp hỗ trợ, đảm bảo nguồn cung thiết yếu, đảm bảo bình ổn giá, chất lượng sản phẩm. Không vì chạy theo số lượng hàng hoá mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kiểm tra tại siêu thị MM. 

Về vấn đề khẩu trang, ông Hải khẳng định, năng lực của ngành dệt may Việt Nam rất lớn, đảm bảo cung cấp đủ khẩu trang cho người dân.

"Ngoài khẩu trang y tế tập trung cho các bệnh viện, thì khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang không giọt bắn (đã được Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex sản xuất) cũng đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch. Vinatex và 20 doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam sẽ sản xuất được 60 triệu khẩu trang đúng quy chuẩn 870 của Bộ Y tế", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng - việc xây dựng nguồn cung, đảm bảo hàng hoá là việc làm thường xuyên của thủ đô. Hà Nội cũng đang tính toán phương án cân đối nguồn ngân sách, để đảm bảo công tác hậu cần. Trong trường hợp nào, tình huống nào cũng phải đủ hàng hoá, phục vụ người dân thủ đô.

Sau buổi làm việc với Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã thị sát, kiểm tra hàng hoá tại siêu thị Mega Market. Khẳng định với Bộ Công Thương, siêu thị này cho biết, hàng hoá đầy đủ trên các kệ hàng, để cung cấp cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn