MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điện và xăng "dắt tay" tăng giá: Tránh việc "tát nước theo mưa"

Phạm Dung LDO | 18/03/2019 19:00

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện là tất yếu trong xu thế hội nhập nhưng mức tăng cần phải có tính toán cụ thể để không ảnh hưởng đến an sinh xã hội cũng như các lĩnh vực khác. 

Nỗi lo giá điện tăng

Theo thông tin từ Bộ Công thương, Bộ này đã lên phương án về tăng giá điện với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3.2019.

Trước thông tin giá điện có thể tăng, nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng về việc các mặt hàng khác sẽ đồng loạt tăng giá theo. Đặc biệt trong bối cảnh, giá xăng cũng đang có xu thế tăng do giá xăng thế giới liên tục tăng qua các kỳ điều chỉnh.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với bài toán khó để cân bằng chi phí, đảm bảo sức cạnh tranh khi mà đầu vào là giá điện tăng.

Cũng theo tính toán của Bộ Công thương, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 0,26 - 0,31%, làm giảm thu nhập bình quân đầu người (GDP) 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15-0,19%.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, điện và xăng là 2 yếu tố quan trọng của quyết định đến nhiều lĩnh vực của đời sống. Nên việc tăng giá 2 mặt hàng này, chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế. Tác động như thế nào, tác động đến đâu thì chúng ta cần có tính toán cụ thể. 

"Việc giá điện tăng 8,36% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến 2 chỉ số là CPI và GDP, trong khi GDP giảm thì CPI sẽ tăng", TS Long phân tích. 

Cần tính toán mức tăng phù hợp

Theo TS Long, việc tăng giá điện là xu thế tất yếu. Đáng lý, cuối năm 2018, chúng ta đã phải điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, việc này đã được hoãn lại để kiểm soát lạm phát. 

"Điện là mặt hàng quan trọng vì nó là đầu vào của nhiều ngành, nếu không đảm bảo bù đắp đủ chi phí và có mức lãi hợp lý để sản xuất thì không cung cấp đủ nguồn năng lượng. Điều này ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực khác", TS Long khẳng định tăng giá điện là xu thế tất yếu. 

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, điện là lĩnh vực độc quyền. Nếu đã độc quyền thì Nhà nước kiểm soát, quản lý bằng cách định giá, có xem xét cụ thể, dựa trên chi phí hợp lý của giá điện. Việc tăng giá lên bao nhiêu thì các cơ quan chức năng phải tính toán thận trọng, để đảm bảo an sinh xã hội và tránh việc này ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác.

Trước xu thế giá điện tăng tất yếu, ông Long cho rằng, nhà nước phải có những chính sách chống biện pháp "tát nước theo mưa", để nhận cơ hội này đồng loạt các mặt hàng khác tăng giá. Cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện phải thông tin tuyên truyền tiết kiệm sử dụng điện.

Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, việc giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và năng lực cạnh tranh, cho nên doanh nghiệp phải tổ chức năng lực quản trị tốt, tổ chức trang thiết bị hiện đại giảm bớt tiêu hao năng lượng, để giảm chi phí sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn