MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng tồn kho bất động sản đang tăng mạnh vì dự án vướng pháp lý, sức mua yếu. Ảnh: Bảo Bảo

Doanh nghiệp bất động sản ngóng việc gỡ vướng pháp lý

Bảo Chương LDO | 11/03/2024 17:31

Hàng tồn kho tăng cao trong bối cảnh lãi suất tăng, khó vay vốn tín dụng và vướng pháp lý nên dự án không thể triển khai đang ngày càng áp lực cho doanh nghiệp bất động sản giai đoạn này.

Tính đến cuối năm 2023, có 13 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán có hàng tồn kho, chiếm trên 50% tổng tài sản, phần lớn là doanh nghiệp bất động sản nhà ở.

Thống kê từ VietstockFinance với 109 doanh nghiệp (trên HOSE, HNX và UPCoM) công bố Báo cáo tài chính quý IV/2023 thuộc nhóm bất động sản bao gồm nhà ở và khu công nghiệp, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến 31.12.2023 là hơn 472 nghìn tỉ đồng, giảm gần 1,2 nghìn tỉ đồng (tương ứng giảm 0,3%) so với đầu năm 2023.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2023. Cũng có nhiều doanh nghiệp báo lãi nghìn tỉ, nhưng một phần lớn đóng góp vào kết quả này đến từ các khoản thu nhập không thường xuyên như doanh thu tài chính và doanh thu bất thường khi buộc phải thực hiện các chương trình tái cấu trúc, chuyển nhượng tài sản để cơ cấu lại tình hình tài chính…, chứ không xuất phát từ hoạt động cốt lõi là kinh doanh bất động sản.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không sớm giải phóng bớt lượng hàng tồn kho, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đối mặt với việc bị chôn vốn và tài chính bị ăn mòn bởi chi phí.

Trong báo cáo phân tích ngành, FiinRatings đưa ra nhận định, trong năm 2024, các nhà phát triển bất động sản dân cư sẽ còn đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế… tác động đến nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Bên cạnh đó, với lượng lớn trái phiếu bất động sản đến hạn (ước tính khoảng 120.000 tỉ đồng - mức cao nhất trong 5 năm qua), rủi ro tái cấp vốn vẫn ở mức cao đối với nhóm doanh nghiệp này. Tuy vậy, sẽ có sự phân hóa rõ nét trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn chung.

Một điểm tích cực là nguồn tiền khách hàng trả trước ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2023 đã tăng mạnh ở nhiều doanh nghiệp. Đây có thể xem là chỉ báo phản ánh sức mua thị trường bắt đầu có sự cải thiện.

Hiện tại, nỗ lực tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn, thủ tục pháp lý dự án... và đặc biệt là yếu tố niềm tin, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sớm hồi phục. Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, năm 2023, cả nước đã có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý, trong đó TPHCM có hơn 148 dự án bị vướng mắc pháp lý.

Về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên cả nước thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết tại TPHCM có khoảng 77 dự án bất động sản được gỡ vướng, và 143 dự án đang tiếp tục được bộ, các bộ liên quan và địa phương gỡ vướng.

Các doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng các dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 sẽ giải quyết được vướng mắc một số quy định của các luật, vướng một số quy định của văn bản dưới luật và gỡ vướng cho pháp lý dự án để họ có thể triển khai và bán hàng.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, nỗ lực tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn, thủ tục pháp lý dự án... và đặc biệt là yếu tố niềm tin, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sớm hồi phục. Theo VNDirect, thị trường đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ phục hồi rõ nét từ nửa cuối năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn