MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp chi 70 triệu đồng cho mỗi cây xăng để triển khai hóa đơn điện tử

NGỌC LÊ LDO | 26/12/2023 19:08

Ngày 26.12, tại tọa đàm “Triển khai hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu” diễn ra ở TPHCM, các doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều khó khăn và đề xuất các giải pháp để triển khai quy định này.

Còn nhiều khó khăn, cần lộ trình để thực hiện

Hiện nay mới có 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu với trên 2.700 cửa hàng (chiếm khoảng 16% cả nước).

Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác cho rằng, việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng khiến doanh nghiệp phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị, máy móc, trong khi có thể người tiêu dùng không mặn mà với việc xuất hóa đơn, dẫn đến lãng phí.

Theo ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai, về việc triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu, các cơ quan chức năng cần có lộ trình thời gian cụ thể, để các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện. Để triển khai hóa đơn điện tử thì các doanh nghiệp tư nhân phải có tài chính, hạ tầng công nghệ số quốc gia cho tương thích.

"Một trạm xăng phải bỏ ra 70 triệu đồng để đầu tư việc triển khai hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, hóa đơn là do các doanh nghiệp tự đầu tư hay do cơ quan Nhà nước cung cấp và trong trường hợp bị trục trặc kết nối thì ai sẽ chịu trách nhiệm” - ông Văn Tấn Phụng chia sẻ.

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai chia sẻ về khó khăn trong áp dụng hoá đơn điện tử. Ảnh: Ngọc Lê

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đặt ra những sự cố trong quá trình xuất hoá đơn bán lẻ như đang bơm hàng thì mất mạng, mất điện, lỗi dầu đổ vào xăng, xăng đổ vào dầu, người mua đem xăng dầu trả lại… thì có xuất hoá đơn không và tính thuế thế nào. Một bất cập khi bán hàng vào ban đêm, cửa hàng không có kế toán, nhân viên bán hàng không đủ năng lực xuất hóa đơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lo ngại chi phí tăng khi áp dụng xuất hoá đơn điện tử.

Ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng chia sẻ, trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100-165 triệu đồng.

“Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng, dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp” - ông Phương nói.

Hai giai đoạn triển khai hoá đơn điện tử

Trước những vấn đề doanh nghiệp nêu, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế (số 38/2019/QH14) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2020 trong quá trình xây dựng đã có quy định về hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, quy định về hóa đơn bán lẻ, trong đó có xăng dầu thì có lộ trình có 2 năm trước khi chính thức ban hành. Pháp luật đã tính toán những vấn đề doanh nghiệp nêu, đứng về mặt thượng tôn pháp luật cần nhìn lại quá trình xây dựng pháp luật đến khi ban hành luật.

"Hóa đơn điện tử áp dụng với xăng dầu cũng như các hóa đơn bán các mặt hàng khác. Nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, có trục trặc đến đâu chúng tôi sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời ngay" - ông Mai Sơn cho biết.

Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: Ngọc Lê.

Từ năm 2023, Tổng Cục Thuế tiếp tục triển khai hoá đơn điện tử kết nối với máy tính tiền tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại ở các địa phương. Cùng với đó, triển khai hoá đơn điện tử với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cập nhật mới nhất là có trên 3.000 cửa hàng thực hiện việc này. Hoá đơn điện tử xuất từng lần mang lại nhiều lợi ích.

Ở góc độ doanh nghiệp, sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ. Quan trọng hơn, không phải mỗi xăng dầu mà tất cả hàng hoá khi xuất hoá đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về lâu dài, tất cả hàng hoá sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất, giảm chi phí của doanh nghiệp. Góc độ các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận (nếu có).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn