MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân ĐBSCL trên cánh đồng của mình.Ảnh: trần lưu

Đồng bằng sông Cửu Long: 45 năm lung linh hạt ngọc Việt

TRẦN LƯU LDO | 03/05/2020 08:18
Kinh tế ĐBSCL với nền nông nghiệp lúa gạo làm chủ lực đã có sự vươn mình mạnh mẽ trong chặng đường 45 năm thống nhất đất nước. Hạt gạo từ hậu phương ra chiến trường, giờ đây đã khẳng định vị thế Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu gạo…

“Đại thắng mùa xuân” trên đồng ruộng

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng 4, ông Trần Thanh Nam (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) vẫn tất bật ra đồng trong tâm trạng phấn khởi. Ông kể: Hơn 1ha lúa hè thu của nhà ông dù mới trong giai đoạn làm đòng nhưng đã có thương lái đặt cọc tiền mua lúa với giá 5.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn khoảng 400-600 đồng/kg so với giá lúa vụ hè thu 2019.

Trước đó trong vụ đông xuân cách đây hơn 1 tháng, với diện tích lúa này, ông Nam thu hoạch hơn 7 tấn, giá bán hơn 5.000đ/kg, thu lãi hơn 30 triệu đồng. “Tui trồng lúa hơn 20 năm, chưa năm nào có niềm vui liên tiếp như lần này”.

Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân Nguyễn Văn Tường, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy chia sẻ: Gia đình ông trồng 6 công lúa OM 4218. Từ khi xuống giống đến nay gặp thời tiết luôn nắng, nguồn nước phục vụ tưới tiêu dồi dào nên cây lúa phát triển tốt, tỉ lệ cây sống đạt cao. Do đó, không cần mướn nhân công cấy giặm, đỡ rất nhiều chi phí.

“Nhờ vụ lúa Đông xuân vừa qua hầu hết bà con đều trúng mùa khi năng suất không dưới một tấn/công, cộng với giá lúa dao động 5.000-6.000 đồng/kg (tùy giống), từ đó cho nguồn lợi nhuận 30-50 triệu đồng/ha. Với niềm phấn khởi đó nên vụ lúa Hè thu này ai nấy đều tích cực chăm sóc ruộng lúa của mình để hạn chế các sinh vật gây hại tấn công, giúp cây lúa sinh trưởng tốt”.

Ghi nhận tại ác địa phương ĐBSCL, lúa IR50404 đang được nhiều thương lái đặt cọc mua lúa tươi ngay sau thu hoạch với giá trên dưới 4.800 đồng/kg; các loại lúa hạt dài như OM5451, OM4218, OM380 có giá 4.900-5.000 đồng/kg.  Sở NNPTNT Cần Thơ cho hay, tại một số huyện có diện tích canh tác lúa nhiều đã ghi nhận có thương lái đặt tiền cọc để thu mua, cụ thể như tỉ lệ nông dân nhận tiền cọc tại huyện Cờ Đỏ đã chiếm gần 45% diện tích xuống giống; tiền cọc trung bình từ 2,3-3,8 triệu đồng/ha, nông dân rất phấn khởi.

ĐBSCL đến nay đã thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân với sản lượng gần 10,8 triệu tấn, con số rất ấn tượng trong điều kiện hạn, mặn hoành hành trên diện rộng, nhưng các địa phương đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng quyết tâm sản xuất thành công.

Đổi mới thích ứng tình hình mới

Cùng với trúng mùa thì công tác điều hành xuất khẩu gạo từ đầu năm 2020 đến nay bám sát mục tiêu tiêu thụ giúp nông dân đảm bảo lợi ích của người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Kết quả xuất khẩu tích cực đã duy trì giá lúa ở ĐBSCL ở mức đảm bảo cho nông dân có lãi 30-40%. Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2020 cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm đang tăng mạnh trên thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; giao dịch gạo thời gian qua sôi động, giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo lớn) được mùa.

Nếu như năm 1975, toàn vùng ĐBSCL canh tác chỉ hơn 2 triệu hecta lúa, tổng sản lượng chỉ hơn 5 triệu tấn, sau 45 năm, diện tích gieo trồng lúa tăng lên khoảng 4,3 triệu hecta, đạt sản lượng gần 25 triệu tấn; góp phần đưa Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo.

Hiện nay, trong bối cảnh mới, thách thức mới trước những tác động bất lợi, tư duy thích ứng “thuận thiên” cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành; nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định rõ quan điểm phát triển nông nghiệp khu vực này trong thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.

Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, phải theo tư duy “thuận thiên” xuyên suốt trong Nghị quyết 120 của Chính phủ, giảm thâm canh lúa để có không gian hấp thu lũ và chuyển dịch hệ thống canh tác ven biển để thích nghi. Nghị quyết này đề cập phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, ưu tiên số một là quá trình phát triển tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

“Tư duy đó cần được nâng tầm bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa. Kèm theo đó là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công”.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế ĐBSCL - cho rằng, có thể xem trận hạn, mặn lịch sử năm nay là “liều thuốc thử” để củng cố tư duy thích ứng, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Cần đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó. Cần ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của ĐBSCL ở Tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở vùng lõi, vành đai và các khu vực trồng lúa bình thường khác. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn