MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Homestay-một dạng dịch vụ du lịch “ở cùng” đang phát triển mạnh tại Hà Giang. Ảnh: PV

Du lịch nông thôn - cú hích phát triển kinh tế nông thôn mới

Tùng Lâm LDO | 10/12/2018 10:45

Nhằm đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường bằng nội dung cụ thể, ngày 7.5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) đề cao phát triển sản phẩm, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế nông thôn. 

Lợi thế cạnh tranh của du lịch của Việt Nam

Khu vực nông thôn Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, là khu vực giữ sự cân bằng về hệ sinh thái và xã hội, vùng đệm cho phát triển đô thị, là nơi sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, nơi có các nghề thủ công truyền thống... Nhìn chung, thế mạnh về sản phẩm du lịch Việt Nam được xác định là du lịch biển/bãi biển, du lịch văn hóa, du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên (sinh thái)... Hiện nay, nước ta có 7 vùng du lịch: Vùng Trung du, miền núi Bắc; vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL. Trong đó có nhiều trọng điểm khai thác và phát triển du lịch là Hạ Long (Quảng Ninh); Hà Nội; Huế (Thừa Thiên - Huế); Hội An (Quảng Nam); Đà Nẵng; Đà Lạt (Lâm Đồng); Nha Trang (Khánh Hòa); Phan Thiết (Bình Thuận); TPHCM và An Giang. Các cực trọng điểm thường gắn với các trung tâm đô thị lớn của cả nước với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và giao thông hoàn chỉnh, hiện đại và đảm bảo chất lượng.

Kiến nghị khai thác tiềm năng từ 4 địa chỉ “vàng”

Với kỳ vọng tạo điểm đến du lịch hấp dẫn và cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia, nhằm giới thiệu rõ nét không gian văn hóa du lịch gắn với các vùng NTM của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước, Ban Chỉ đạo trước mắt cần xây dựng tại một số tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa, Bến Tre…

Tại Hà Giang: Làng văn hóa du lịch (VHDL) Nậm Đăm, Quảng Bạ, gắn với xây dựng thung lũng dược liệu xanh, văn hóa thảo dược. Thôn Nặm Đăm cách trung tâm huyện Quản Bạ 6m, có tổng diện tích tự nhiên 458ha với 51 hộ, 100% người dân tộc Dao. Nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch như: Đất đai màu mỡ; có khu chế biến dược liệu; nhiều món ăn hấp dẫn; nét đặc trưng mê hoặc của những làn ca, điệu múa dân gian của người Dao... Hiện nay, thôn Nặm Đăm đã trồng thành công mô hình nuôi trồng cây sâm đương quy (tên khoa học là Angelica sinensis) là một loại dược liệu quý hiếm. Các loại hình có thể khai thác phát triển du lịch tại nơi đây: du lịch nông nghiệp kết hợp chữa bệnh, du lịch văn hóa…

Tại Lai Châu: Làng VHDL Sìn Suối Hồ, Phong Thổ gắn với văn hóa dân tộc H’Mông trên dãy Hoàng Liên Sơn. Bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, nằm trên đỉnh núi cao 1.500m, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, với vẻ đẹp hoang sơ của bản làng, sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, cuộc sống bình dị của dân tộc H’Mông và đặc biệt là những vườn lan đẹp ngút ngàn, những trái cây đặc sản như đào, mận...

Tại Thanh Hóa: Làng VHDL gắn với xây dựng Công viên văn hóa tre tại huyện Bá Thước được coi là vùng “rốn” tre luồng Việt Nam. Các xã thuộc huyện Bá Thước với mật độ tre luồng đậm đặc, có lợi thế phát triển thành công viên sinh thái tre luồng, kết hợp văn hóa bản địa và cảnh quan Vườn quốc gia Pù Luông để phát triển du lịch nông thôn, khu vực này phát triển thành nơi lưu giữ, phát triển các giống tre, luồng trong nước và các nước trong khu vực; khu vui chơi giải trí, giáo dục lịch sử, ý thức bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phát triển làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, tâm linh, kết nối với nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm nhà kính.

Tại Bến Tre: Làng VHDL huyện Chợ Lách gắn với vùng cây cảnh, cây giống và văn hóa Vườn nổi trong vùng ĐBSCL. Chợ Lách nằm trên cù lao Minh với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và thủy văn rất thích hợp cho việc sản xuất các hoạt động nông nghiệp, trong đó nổi bật là nghề làm hoa kiểng và nghề trồng cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, bưởi, nhãn, táo, đu đủ, chuối, cóc, ổi...), trong đó có giống cây ăn trái từ miệt vườn Cái Mơn đã có thương hiệu nổi tiếng từ lâu đời.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn