MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dừng hay tiếp tục nhập khẩu xăng dầu: Phải đảm bảo lợi ích tổng thể

Cường Ngô LDO | 14/04/2020 11:45

Đề xuất tạm dừng nhập khẩu xăng dầu của PVN tiếp tục là vấn đề gây nên nhiều tranh luận. Hai luồng quan điểm chủ đạo được các chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay việc dừng nhập là yếu tố đáng để xem xét, luồng quan điểm còn lại phản đối dừng nhập vì đi ngược quy luật thị trường.

Tổng thể lợi ích chung phải được đảm bảo trong bối cảnh đặc biệt

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu ở tình huống thông thường, đề xuất của PVN không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là tình huống đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt – dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các chuỗi cung ứng đứt gãy, vì thế không thể sử dụng cái gọi là “nguyên tắc thị trường một cách trọn vẹn được”.

“Khi xảy ra tình thế đặc biệt phải chấp nhận sự đánh đổi. Sự đánh đổi này sẽ có lợi, có hại, nhưng tổng thể lợi ích chung phải được bảo đảm” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, khi tình thế thị trường không bình thường thì không thể sử dụng nguyên tắc lưu thông bình thường để giải quyết. Khi nguồn cung về xăng dầu tăng mạnh, giá cả hạ thấp, cùng với đó lượng xăng dầu tồn kho trong nước rất cao, nhu cầu tiêu thụ giảm mà vẫn tiếp tục nhập khẩu xăng dầu sẽ gây ra lãng phí nguồn lực xã hội, "thậm chí gây ra cảnh cạnh tranh cùng chết - điều này là không thể được" - ông Thiên nói.

"Tôi cho rằng, trong thời điểm này coi PVN hay những doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước là những tài sản quốc gia vì đóng góp của họ cho quốc gia rất lớn. Song, điều này không có nghĩa là bảo vệ PVN như một doanh nghiệp độc quyền. Bài toán lợi ích này - nhà nước phải đứng ra tính, bên nào đóng góp cho quốc gia, lợi ích và thiệt hại đối với quốc gia thế nào (về mặt sản xuất, ngân sách) để có quyết định đúng đắn nhất. Tôi cho rằng tính hợp lý nghiêng về PVN”, ông Thiên nêu quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Đình Thiên cũng nhận định vấn đề doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lo ngại nhất là vấn đề độc quyền. Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước và thế giới giảm, mà lại đề xuất cấm nhập khẩu xăng dầu thì khả năng độc quyền tăng lên. Song hoàn toàn có cơ sở để xử lý câu chuyện độc quyền về giá bởi thông tin về giá cả xăng dầu đã công khai, minh bạch; hệ thống thanh tra, chống độc quyền nhà nước vào cuộc ngay lập tức, đảm bảo giá xăng dầu bán theo chu kỳ 15 ngày, việc tăng lên hay giảm xuống có phù hợp với xu thế không, nếu không phù hợp với xu thế, chứng tỏ đã vi phạm độc quyền (hoặc là phá giá hoặc tăng giá độc quyền) đều xử lý được.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi cũng có nhận định tương tự và cho rằng có thể bắt đầu nhập khẩu trở lại vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.2020.

Tranh thủ tích lũy khi giá thị trường xuống thấp?

Ngược lại, một số chuyên gia kinh tế bảo vệ quan điểm phải đảm bảo quan hệ kinh tế thị trường một cách sòng phẳng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: "Nếu các nhà máy lọc dầu trong nước không giảm giá được thì những nhà máy này nên giảm sản lượng, hoặc tạm dừng hoạt động để tránh lỗ".

Còn Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong lại chỉ ra nhiều lý do cần phải hết sức thận trọng với quyết định nên dừng hay tiếp tục nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh hiện tại.

Ông Phong cho rằng, giá dầu mỏ thế giới xuống thấp chỉ mang tính tạm thời chứ không phải xu hướng vững chắc, xu hướng này tùy thuộc kết quả cuộc chiến giá xăng dầu giữa các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trên thế giới, đặc biệt là giữa tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, với các nước như Nga và Mỹ. Lợi ích kinh tế sẽ không cho phép cuộc chiến này kéo dài duy ý chí. Khi giá thị trường xuống thấp cần phải tích lũy nguồn cung từ nước ngoài bởi xăng dầu là tài nguyên không thể phục hồi.

Quan điểm tranh luận về việc nên ngừng hay nhập rõ ràng mỗi bên đều có lý lẽ riêng, một bên nhấn mạnh việc điều hành mềm dẻo trong điều kiện bất khả kháng như dịch bệnh, một bên bảo vệ quan điểm không được đi ngược lại kinh tế thị trường trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù vậy, rõ ràng việc đảm bảo lợi ích tổng thể, an ninh năng lượng phải được đặt lên hàng đầu.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn