MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá cả tăng mạnh, dân công sở bỏ thói quen la cà, cắt đặt mua đồ quán xá

Tuyết Lan LDO | 07/06/2022 08:15

Giá xăng dầu, giá thực phẩm, chi phí vận chuyển đồng loạt tăng... nhưng lương không thay đổi khiến việc chi tiêu của nhiều người bị ảnh hưởng. Để có thể ứng phó, dân công sở cắt giảm đặt đồ ăn, hạn chế tối đa cafe, chăm chỉ mang cơm trưa, bỏ thói quen dạo phố.

"Cắt giảm" gọi đồ

Những ngày gần đây, sự tăng giá của xăng dầu dẫn đến một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, chi phi vận chuyển cũng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày của dân công sở.

Văn Trần Hoàng Mai (24 tuổi, Hà Nội) là thành viên kim cương của nhiều trang thương mại điện tử, cũng là gương mặt quen thuộc trên các hội nhóm review đồ ăn, quán cafe. Nhưng hơn 1 tháng nay, Mai đã không còn mua sắm online, hẹn hò bạn bè tại quán cafe đều đặn vì giá cả tăng cao.

Văn Trần Hoàng Mai (24 tuổi, Hà Nội) nhân viên sale. Ảnh: NVCC  

Hoàng Mai đã tự cắt giảm đặt đồ ăn, đồ uống bên ngoài để cân bằng lại chi phí sinh hoạt thường ngày do "bão giá thị trường" trong khi thu nhập không thay đổi.

"Giá 1 cốc cafe hay sinh tố và bữa trưa đắt đỏ có thể lớn hơn số tiền lương một ngày của nhân viên sale như tôi. Chưa kể, lướt Shopee, Lazada rồi đặt mua thêm chiếc váy hay đôi giày có thể ngày hôm đó tiêu tốn 4-5 ngày lương", Hoàng Mai bày tỏ.

Với đồng lương ít không thể đáp ứng những sở thích, thói quen trước đây, Mai không biết kế hoạch tiết kiệm này đã đủ chưa và có lẽ sẽ phải tiết kiệm hơn nữa.

Cũng giống Hoàng Mai, Nguyễn Hương Ly (22 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) thường đặt đồ ăn trưa bên ngoài hoặc đi ăn cùng đồng nghiệp và sau đó có thể phát sinh thêm "kèo cafe".

"Hiện tại, giá đồ ăn lẫn phí ship đều tăng cao nên tôi quyết định chọn giải pháp tiết kiệm là tự mang đồ ăn trưa. Hơn 2 tháng gần đây, lương thưởng chưa đến thời hạn tăng mà mọi thứ ngày càng đắt đỏ nên nhiều chị em văn phòng chúng tôi rủ nhau cắt giảm sở thích", Hương Ly chia sẻ.

  Nguyễn Hương Ly (22 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm sở thích.

Phần đông bạn trẻ ở các thành phố lớn, sống xa nhà đều gặp tình trạng giống như Mai hay Ly. Họ "đau đầu" với bài toán chi tiêu khi sinh hoạt phí đội lên cao.

Gánh nặng mua nhà, mua xe

Tan ca, nếu chưa có kế hoạch cho buổi tối, Trịnh Tùng Anh (27 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) thường hẹn người yêu đi dạo mát quanh phố cổ, Hồ Tây.

"Kết thúc một ngày làm việc căng thẳng, mình thường từ công ty ở Cầu Giấy qua Thanh Xuân đón người yêu, rồi cả 2 cùng lượn lờ hóng gió. Sau đó, chúng mình cùng nhau ăn tối, cafe vừa để xả stress vừa hẹn hò", Tùng Anh kể.

Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ nếu Tùng Anh tiếp tục "cuộc vui" như vậy thì không biết có thể tiết kiệm được bao nhiêu. Thậm chí, kéo dài tình trạng vật giá leo thang, tiền tiết kiệm sẽ vơi đi và kế hoạch mua nhà càng ngày càng xa tầm tay. Nhưng việc phải thay đổi thói quen, cắt giảm sở thích là điều rất khó. Đây cũng không phải cách lâu dài với chàng trai Tùng Anh.    

Tương tự, Việt Đăng (32 tuổi, Hà Nam) cho biết: "Sau nhiều năm đi làm cùng với số tiền bố mẹ cho, mình vừa mua trả góp chiếc xe ôtô để phục vụ công việc và tiện về quê. Nhưng kể từ khi giá xăng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, khiến chiếc xe của tôi "ngốn tiền xăng" gấp rưỡi so với trước và có thể gấp 3-5 lần so với đi xe máy. Mặc dù, số tiền này không quá lớn, nhưng với một ông bố 2 con cộng số nợ, tôi nghĩ mình cần cân nhắc quay trở lại đi làm bằng xe máy", anh nói.

Không chỉ tiền xăng, Đăng còn nhận thấy giá đồ ăn, thực phẩm tăng sốc. Cách đây 2 tuần, bữa trưa của anh thường dao động 40.000-50.000 đồng/suất. Nhưng hiện nay, giá mỗi bữa trưa nếu không tăng lên ăn sẽ không đủ no.

Việt Đăng cho hay: "Việc duy trì bữa trưa ngoài quán, tôi nghĩ không ảnh hưởng quá nhiều đến "túi tiền". Nhưng giá cả giữ đà tăng chóng mặt như hiện nay, có lẽ vợ chồng tôi cần bạc bạc lại kế hoạch chi tiêu".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn