MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá điện mới có thể phải "cõng" 3.000 tỉ đồng khoản chênh tỉ giá

Cường Ngô - Phạm Dung LDO | 18/12/2019 18:57
Do năm 2018 không điều chỉnh giá điện, nên hai khoản chênh lệch tỉ giá với tổng giá trị 3.090,9 tỉ đồng sẽ được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018.

Tại buổi họp báo "Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN và kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2020", ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện, nên hai khoản chênh lệch tỉ giá (một phần khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỉ giá của cả năm 2017), với tổng giá trị 3.090,9 tỉ đồng sẽ được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018. Dự kiến sẽ tính vào năm 2020.

Về vấn đề treo lại 3.090,9 tỉ đồng, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay chưa có nguồn thanh toán cho khoản chênh lệch tỉ giá này, EVN đang phải cân đối các chi phí. "Chúng tôi đang chờ phương án giá điện năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì mới có nguồn để trả khoản 3.090,9 tỉ đồng", ông Nam nói.

Giá điện 2020 có thể phải “cõng” khoản chênh tỉ giá 3.000 tỉ đồng. Ảnh: Hải Nguyễn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, chi phí phát điện chiếm 70 - 75% giá thành sản xuất điện, năm 2018 là 1.727 đồng/kWh điện, trong khi phát điện chiếm tới hơn 1.300 đồng/kWh.

"Để sản xuất mỗi kWh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ lãi 4 đồng, tỉ suất lợi nhuận rất thấp, nên rõ ràng tình hình tài chính của EVN về lâu dài sẽ càng khó khăn, đặc biệt khi đang đầu tư nhiều", ông Vượng nói.

Theo đó, với khoản tỉ giá còn treo lại và "hiện chưa được hạch toán vào đâu", nên ông Vượng khẳng định khi phương án giá điện mới thì hạch toán, do đó "đương nhiên sẽ ảnh hưởng giá điện nếu điều chỉnh thời gian tới".                                          

Trước thông tin trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tỉ giá là 1 biến số mà tất cả các DN kinh doanh đều phải tính toán trong phương án kinh doanh để đảm bảo tính hiệu quả và chủ động. Thực tế trong 4 năm trở lại đây tỉ giá ổn định và đồng tiền VN là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực và trên thế giới. Vì vậy, EVN nói giá điện mới có thể phải "cõng" 3.000 tỉ đồng khoản chênh tỉ giá sẽ không thật sự thuyết phục.    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn