MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau một thời gian ổn định hiện giá gạo ở TPHCM lại có sự biến động. Ảnh: Như Quỳnh

Giá gạo bán lẻ tại TPHCM rục rịch tăng trở lại

NHƯ QUỲNH LDO | 17/10/2023 18:27

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu tăng sau thông tin Indonesia mua thêm dự trữ và Việt Nam sẽ là nguồn cung gạo chính cho thị trường này. Tại thị trường TPHCM, giá gạo bán lẻ tại một số cửa hàng, chợ truyền thống rục rịch tăng theo.

Cắt giảm phần quà tặng khi mua gạo

Thời gian trước, khách tới cửa hàng gạo Sen Hồng trên đường Bà Hạt (quận 10) đều được tặng kèm đường, muối… Tuy nhiên, thời điểm gần đây, giá gạo tăng trở lại, chị Bùi Ngọc Thảo - chủ cửa hàng gạo Sen Hồng đã quyết định giảm lời để giữ mức giá tốt cho khách và cắt giảm phần quà tặng.

“Cách đây khoảng 2 tháng, giá gạo liên tục thay đổi, ai nấy đều lo lắng. Thời gian sau giá dần ổn định nhưng chưa được bao lâu thì đợt này lại tăng trở lại. Mặc dù giá gạo nhập vào tăng nhưng khách hàng mua chủ yếu là mối quen nên chúng tôi khó tăng giá.

Hiện giá gạo tại cửa hàng có nhích lên nhưng tôi không thấy lời bao nhiêu. Giá gạo tăng chủ yếu là các loại gạo bình thường, giá tăng dao động từ 2.000-5.000 đồng/kg (tùy loại gạo). Riêng gạo ST bên tôi vẫn chấp nhận bán giá cũ” - chị Thảo nói.

Giá gạo tại các cửa hàng bán lẻ ở TPHCM rục rịch tăng. Ảnh: Như Quỳnh

Tương tự, tại cửa hàng gạo H.Đ (huyện Bình Chánh), bà Nguyễn Hoà - chủ cửa hàng cho biết: "Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá gạo từ các đại lý tăng nên tôi cũng nhập vào số lượng ít hơn để nghe ngóng tình hình. Gạo nhập với mức giá cũ thì tôi vẫn bán với mức giá cũ để giữ chân khách, chỉ có một số loại tăng là gạo mới nhập thì tôi báo khách trước khi mua để họ hiểu” - bà Hoà cho hay.

Theo một số tiểu thương, gạo tăng giá khiến 1 phần cơm, bún… cũng tăng theo. Nhiều khách hàng bình thường mua 1 bao nhưng giờ gạo tăng, người ta mua mỗi lần ít hơn hoặc đổi loại gạo rẻ hơn.

Giá gạo liên tục nhảy múa

Trao đổi với Lao Động, anh Đinh Quang Thành - Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam (TPHCM) cho biết, hiện tại, giá gạo trong nước tăng, giá gạo thường sẽ chạy theo khung và không đứng yên. Nhìn chung, tăng khoảng 25% so với giá gạo tháng 6. Trong các đợt biến động giá, chỉ riêng các loại gạo của ông Hồ Quang Cua là chưa tăng.

“Giá gạo tăng cũng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người tiêu dùng bởi gạo là thực phẩm thiết yếu. Hầu hết thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng theo giá gạo, do đó sẽ kéo sức mua xuống.

Sức mua trong nước hiện tại chỉ ở mức trung bình, tăng khá chậm vì tiêu dùng trong nước có hạn, đặc biệt trong thời gian gần đây giá gạo liên tục nhảy múa. Bên công ty từ tháng 6 đến nay, giá gạo xuất khẩu và sức tiêu thụ gạo xuất khẩu đều tăng” - anh Thành cho biết.

Vào thời điểm tháng 8, giá gạo tại thị trường TPHCM cũng có sự thay đổi, hàng loạt loại gạo giá tăng. Để ổn định thị trường, Sở Công Thương TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn, thúc đẩy bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn luôn có giá bán thấp hơn thị trường 5-10%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn