MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện Tây Nguyên đang bước vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Th.T

Giá hồ tiêu tăng: Nông dân mừng, nhưng cần tỉnh táo về kế hoạch sản xuất

Thanh Hải LDO | 15/03/2021 14:19

Đầu tháng 3.2021, giá hồ tiêu tăng cao sau 4 năm tụt dốc. Có thời điểm giá hồ tiêu chạm mốc 73.000 đồng/1kg. Điều này giúp nông dân vùng nguyên liệu tiêu ở Tây Nguyên đã có lãi. Người dân mừng vui trước mắt, nhưng ngành nông nghiệp cần tỉnh táo, nhất là kiểm soát kế hoạch cũng như phương thức sản xuất...

Chỉ tính riêng Gia Lai, từ 2017 tới nay, dịch bệnh khiến hơn 5.500/17.500ha hồ tiêu bị chết. Theo đó, hơn 11.000 hộ dân trồng tiêu, chủ yếu ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông rơi vào tình cảnh khó trả nợ vay ngân hàng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê, hiện huyện này còn 2.900ha hồ tiêu. Vì giá tiêu liên tục xuống thấp trong vài năm nay, nên nông dân chuyển sang chăm sóc vườn cây theo hướng sinh học, tiết giảm tối đa chi phí, chỉ khoảng 20 triệu đồng/1ha. Năng suất không cao so với trước đây, chỉ khoảng 2 tấn/1ha, nhưng bù lại cây khoẻ và đất đai đang dần phục hồi. Hiện nay, mỗi ha hồ tiêu, nông dân có thể thu lãi trên 100 triệu đồng. Điều này, giúp bà con giảm phần khó khăn trong đầu tư vụ mới và trả các khoản nợ vay trong các tổ chức tín dụng.

Được biết, một trong số nguyên nhân khiến hồ tiêu Việt Nam bị mất giá so với các nước Đông Nam Á là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt, khi xuất sang thị trường Châu Âu. Thậm chí, khi điều chỉnh phương thức sản xuất theo hướng sinh học, phun thuốc, dùng phân bón hóa học đúng liều lượng, đúng quy trình thì hạt tiêu vẫn còn bị vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân sâu xa là do đất đã bị ngộ độc.

Sau thời gian mất giá, rồi dịch bệnh, vườn tiêu bị bỏ bê, dù năng suất thấp nhưng hạt tiêu lại đạt chuẩn và cho giá cao. Đây là thông tin mừng cho người nông dân, nhưng cơ quan quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp cần tỉnh táo, cân nhắc về kế hoạch tái sản xuất. Không nên lặp lại sai lầm thâm canh, mở rộng diện tích quá mức, để tránh rủi ro như trước đây.

Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (từ 1.8.2020), các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để nâng giá bán. Nhưng quan trọng hơn, đây là cơ hội để người nông dân, ngành nông nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản từ ruộng vườn nhà nông cho đến doanh nghiệp, nhà xuất khẩu. Nhất là khi đầu ra là thị trường rất "khó tính" như Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn