MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu "nhảy múa" khiến hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn.

Giá nguyên, nhiên liệu "nhảy múa", doanh nghiệp than thở

Phong Quang LDO | 13/03/2022 13:19

Tuyên Quang - Giá xăng dầu, nguyên vật liệu xây dựng đầu vào liên tục "nhảy múa" đã khiến không ít các doanh nghiệp vận tải, xây dựng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang gặp khó. Chấp nhận bù lỗ hoặc bị phạt chậm tiến độ đã được nhiều doanh nghiệp tính tới.

Kinh doanh vận tải điêu đứng

Đối với các đơn vị hoạt động vận tải hành khách thì cơn bão tăng giá xăng dầu thực sự khiến việc kinh doanh điêu đứng. Nếu như doanh nghiệp gặp khó khi nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh do dịch COVID-19 thì nay xăng dầu lên cao kéo theo chi phí vận hành không ngừng tăng.

Bà Trần Thu Lành - Giám đốc chi nhánh Taxi Mai Linh Tuyên Quang - cho biết, với 50 đầu xe hiện tại thì giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến hoạt động kinh doanh của đơn vị càng khó bởi nhiên liệu chiếm gần 30% giá thành vận tải. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá cước ở thời điểm này là không dễ.

Theo bà Lành, thời điểm này, giá cước taxi chưa điều chỉnh tăng mà vẫn đang nghe ngóng thị trường. Nhưng nếu giá xăng dầu vẫn tiếp cao như hiện nay hoặc liên tục tăng thêm, việc điều chỉnh tăng giá cước vận tải từ 5-10% là bắt buộc.

Đa số doanh nghiệp vận tải đều đang bù lỗ, tăng giá cước đã được tính tới nếu xăng dầu tiếp tục giữ ở mức cao. 

Trong khi đó, hoạt động vận tải hàng hoá khó khăn hơn bội phần bởi giá nhiên liệu chiếm tới 40% cơ cấu giá thành. Thông thường, các hợp đồng vận tải đã được ký kết từ cách đó cả năm trời khi giá xăng dầu chưa tăng, việc điều chỉnh lại giá vận tải gần như không thể.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - chủ một công ty vận tải tại TP.Tuyên Quang - cho hay, đơn vị hiện có 10 xe đầu kéo, đa phần cước vận tải đã được ký kết cố định với các đối tác từ khi dầu ở giá hơn 15.000 đồng/lít, nay dầu đã lên trên 25.000/lít nhưng việc điều chỉnh giá cước rất khó.

"Trước mắt, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ thương lượng điều chỉnh giá cước. Nhưng nếu không thương lượng được thì buộc phải dừng hợp đồng và chấp nhận phạt, bởi càng chạy càng lỗ, doanh nghiệp không còn vốn để bù" - ông Vĩnh than thở.

Nhà thầu xây dựng tiến thoái lưỡng nan

Nếu như các doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá xăng dầu thì các đơn vị xây dựng lại trong tình cảnh "một cổ hai tròng" khi cả giá xăng dầu và sắt thép, nguyên vật liệu đều tăng. 

Chỉ trong 10 ngày qua, giá thép cây tại miền Bắc liên tục điều chỉnh tăng và hiện ở mức gần 19 triệu đồng/tấn. Nếu so với cuối năm ngoài, mỗi tấn thép xây dựng đã tăng vài triệu đồng. 

Theo ông Tạ Quốc Tuấn (Công ty TNHH MTV Đông Bắc ở Tuyên Quang), đa số công trình đấu thầu của đơn vị ở thời điểm giá sắt thấp nên giá trúng thầu cũng thấp. Nay giá sắt tăng cao ngoài dự tính đã khiến việc thi công và tiến độ công trình gặp nhiều khó khăn.

Vị này cho hay: "Tuỳ theo quy mô nhưng mỗi công trình  xây dựng cầu thấp nhất cũng vài trăm tấn sắt, nhiều thì cả chục nghìn tấn. Thời điểm đấu thầu thì hơn 15 triệu đồng/tấn sắt, nay đã lên gần 20 triệu đồng/tấn. Mỗi công trình riêng tiền sắt đã bù lỗ vài tỉ đồng, chưa tính các nguyên vật liệu khác. Hợp đồng đã ký, không làm cũng không được".

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho rằng, giá sắt thép nguyên nhiên liệu tăng cao đột biến khiến các nhà thầu rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, "làm cũng chết mà không làm cũng chết". Bởi càng làm càng lỗ, không làm thì chậm tiến độ, bị phạt nhưng quan trọng hơn là không thanh toán được khối lượng đã thi công.

Ông Hiệp nhận định: "Ngành xây dựng đóng góp khoảng 8-9% GDP mỗi năm, nếu ngành này bị lê liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các mục tiêu tăng trưởng chung. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng nói riêng và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tăng giá nguyên, nhiên liệu  đầu vào nói chung là hết sức cấp bách".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn