MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá vàng liên tục lao dốc sát ngày vía Thần Tài: Liệu có bất thường?

Phan Anh - Minh Ánh LDO | 19/02/2021 16:14
Dù gần đến ngày vía Thần Tài (21.2 - tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch), giá vàng trong nước đang liên tục lao dốc. Đây được cho là một diễn biến bất thường so với nhiều năm.

Giá vàng liên tục giảm

Mở cửa các phiên giao dịch đầu năm Tân Sửu, giá vàng diễn biến ảm đạm. Sau phiên đứng yên vào ngày 16.2, giá vàng liên tục lao dốc. Thị trường vàng trong nước ngày 17.2, giá vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) điều chỉnh giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Đến ngày 18.2, giá vàng tiếp tục được đơn vị này điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch phiên trước đó.

Giá vàng liên tục lao dốc nhiều phiên gần đây. Ảnh: Phan Anh

Đến sáng nay (19.2), Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) tiếp tục giảm giá vàng với mức 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều bán. Hiện đơn vị này đang niêm yết giá vàng mua vào ở mức 55,70 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 56,25 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Phú Quý SJC niêm yết giá vàng mua vào - bán ra 55,70 – 56,20 triệu đồng/lượng. Đơn vị này cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 18.2. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 500.000 đồng/lượng.

Liệu có bất thường?

Trao đổi với PV Báo Lao Động về diễn biến giá vàng nhiều phiên giao dịch gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giá vàng trong nước đang cao lên một cách bất thường.

"Hiện giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 7 triệu đồng/lượng so với thế giới. Đây là một mức rất cao, tạo rủi ro cho nhà đầu tư.

Mức giá chênh lệch bình thường giữa Việt Nam và thế giới chỉ trong khoảng 500.000 đồng/lượng là ổn định, 1 triệu/lượng là cao, 3 triệu là rất cao, 7 triệu là mức không tưởng.

Rủi ro ở chỗ, khi giá vàng Việt Nam quá cao trong khi thế giới đi xuống hoặc đi ngang, thị trường trong nước sẽ lao dốc. Những người mua vàng ở thời điểm giá quá cao, khi thị trường lao dốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Người mua vàng có thể nhận nhiều rủi ro trong thời điểm này. Ảnh: Phan Anh

Phân tích về những yếu tố tác động đến giá vàng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định giá kim loại quý này đang chịu nhiều áp lực giảm: "Giá vàng trên thế giới và trong nước đang trải qua thời kỳ biến động. Giá vàng thế giới trong năm vừa qua lên đến ngưỡng 2.000 USD/oz và đó tụt sâu xuống ngưỡng 1.700 USD/oz, đây là một sự biến động lớn.

Những nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá vàng trên thế giới đến từ các yếu tố y tế, chính trị, tiền tệ… Trong năm qua, các Chính phủ liên tục tung ra các gói hỗ trợ nền kinh tế do đại dịch COVID-19. Những gói giải cứu này trước hết giúp bình ổn thị trường, từ đó giải quyết được nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Khi bình ổn nền kinh tế, giá vàng thường không bị tăng quá cao.

Trong khi đó, những bất ổn về chính trị cũng đang dần được giải quyết. Bên cạnh đó, bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đã hoàn thành. Về mặt tiền tệ, rất nhiều quốc gia tìm cách hạ giá đồng tiền. Quan trọng nhất, vaccine điều trị COVID-19 điều trị COVID-19 và việc kiểm soát dịch bệnh đều đang đẩy giá vàng xuống thấp hơn".

Tuy vậy theo vị chuyên gia này, về dài hạn vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền. "Xét về dài hạn giá vàng chắc chắn vẫn tăng. Từ 10 đến 20 năm giá vàng không bao giờ giảm", ông Hiếu nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn