MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tuyến xe khách nội tỉnh lượng khách rất ít, thu không đủ chi. Ảnh: PV

Giá xăng, dầu tăng cao, hợp tác xã ở Kiên Giang gắng hoạt động cầm chừng

NGUYÊN ANH LDO | 10/03/2022 13:05
Kiên Giang - Chưa hết khó vì dịch COVID-19, các hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Kiên Giang lại gồng mình chống đỡ thua lỗ khi giá xăng dầu chỉ tăng chứ chưa giảm.

Hoạt động cầm chừng

Khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp cộng với việc giá xăng dầu liên tục tăng nhanh khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, HTX vận tải, HTX sản xuất nông sản hay các sản phẩm thủ công phục vụ nghề biển cũng chung tình trạng gặp khó.

Theo Bộ Công thương, với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11.3.2022 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg tùy loại, tăng 27-44% so với giá xăng dầu đầu năm 2022 làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng, dầu tăng giá, sản phẩm nông sản khó tiêu thụ dù giá giảm mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của các thành viên HTX. Theo các HTX sản xuất nông nghiệp cho biết, chi phí đầu vào như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... liên tục tăng cao. Tình trạng ùn ứ nông sản hay các mặt hàng khác chưa có giải pháp mà chỉ trông chờ vào việc “kêu gọi tiêu thụ”, như vậy chỉ gỡ khó trước mắt còn về lâu dài cũng không ai kêu gọi mãi được.

Xăng dầu tăng giá, các chi phí khác cũng tăng theo nhưng giá sản phẩm bán ra thì luôn giảm khiến các HTX càng thêm khó. Ảnh: PV

Không chỉ các mặt hàng “để ăn” khó bán mà cả mặt hàng “để xài” cũng không khá hơn. Theo HTX đan đát Hòa Tân ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành chia sẻ mặc dù các thành viên trong HTX cũng có làm thêm công việc khác ngoài việc đan đát thế nhưng thu nhập từ nghề đan đem lại cho họ khá ổn định. Nay mất đi nguồn thu nhập này nhiều hộ cũng rất khó khăn.

Còn với các HTX giao thông vận tải thì quãng thời gian dịch bệnh vừa qua, họ liên tiếp gặp khó khăn. Đặc biệt, ở giai đoạn cao điểm của dịch, mọi hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa đều tạm dừng, doanh thu bằng con số 0. Khi hoạt động trở lại chưa bao lâu, các doanh nghiệp vận tải chưa kịp vui thì giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến ngành vận tải rơi vào thế khó.

Bỏ tiền túi bù lỗ

Theo các thành viên HTX vận tải thủy bộ Rạch Giá cho biết, nhu cầu đi lại của người dân còn ít, mỗi chuyến xe họ đều phải tự bỏ tiền bù lỗ, kéo dài tình trạng này thì không còn vốn để bù.

Ông Lê Minh Thể, Phó Giám đốc HTX vận tải thủy bộ Rạch Giá cho biết, HTX hiện quản lý 89 phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, 130 phương tiện hợp đồng và hơn 900 phương tiện vận tải hàng hóa. Các tuyến đường dài liên tỉnh vắng khách, các tuyến nội tỉnh hoạt động cầm chừng, khách nhiều nhất chỉ đạt 50% số ghế.

Ông Thể chia sẻ: “Tất cả hoạt động giảm mạnh về số phương tiện, số khách, doanh thu mà giá xăng dầu thì chỉ tăng không giảm. Trước mắt, HTX đang tính toán để giảm mức lệ phí dành cho các thành viên và đề xuất việc tăng giá vé trong khi đợi các giải pháp hỗ trợ cụ thể từ các cấp, ngành”.  

Vẫn chờ các giải pháp

Chị Phạm Thị Diễm Trang, Giám đốc HTX đan đát Hòa Tân chia sẻ: “Dịp Tết vừa rồi, mặt hàng sề để phơi cá cơm cháy hàng, HTX làm trên 5.000 cái để bán cho các địa phương sản xuất mặt hàng khô cá ở Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc. Nhưng hiện tại, tình hình sản lượng đánh bắt giảm, tàu cũng ít đi đánh bắt, nghề làm khô ảnh hưởng thì các mặt hàng thủ công phục vụ cho nghề biển cũng giậm chân tại chỗ theo. Hiện chúng tôi sản xuất rất ít, chỉ biết chờ xem tình hình có khả quan hơn không chứ hiện tại nhiều thành viên cũng chán và muốn bỏ nghề”.

Xăng dầu tăng giá cao, nhiều tàu cá thua lỗ phải nằm bờ kéo theo rất nhiều ngành nghề cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: PV

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các HTX gặp khó do dịch COVID-19 như tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách gia hạn nộp thuế, miễn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm tiền điện, tiền nước... để khôi phục sản xuất. Liên minh HTX tỉnh cũng phối hợp các đơn vị giúp thu mua nông sản, bao tiêu sản phẩm cho các HTX, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

“Tuy nhiên vấn đề tăng giá xăng dầu liên tục như thế này thì thật sự là khó khăn quá lớn không chỉ riêng các HTX mà còn nhiều ngành nghề, đối tượng khác cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã ghi nhận, nắm bắt những khó khăn vướng mắc về hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, tổ hợp tác để báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm có những giải pháp hỗ trợ phù hợp sớm nhất có thể”, ông Dũng chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn