MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Nguồn hàng nhập vào tăng 10-15%, riêng dầu ăn tăng 30-35%, có những loại dầu ăn tăng tới 50%” - cô Đặng Hải Yến, chủ tiệm tạp hoá tại Đê La Thành (Hà Nội), chia sẻ. Ảnh: Dương Thuỳ

Giá xăng tăng, người dân quay cuồng trong loạt chi phí

Dương Thùy LDO | 31/05/2022 17:31
Ngay sau những cú thiết lập “bão giá” xăng dầu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn và phải thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, giá xăng dầu trên thế giới và trong nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Giá xăng dầu tăng 1, nỗi lo nhân 2

Sau nhiều phiên điều chỉnh, dự kiến giá xăng trong phiên điều hành ngày 1.6 sắp tới có thể tăng trên ngưỡng 30.000 đồng/lít. Dù không phải là đợt tăng bất ngờ trong năm 2022, nhưng việc giá xăng tăng liên tiếp trong nhiều kỳ điều hành gần đây khiến người dân như "ngồi trên đống lửa".

Mỗi buổi sáng, chị Dương Thị Minh Nguyệt thường đi xe máy vượt 35km từ nhà (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để di chuyển đến chỗ làm ở một công ty tư nhân tại quận Hoàn Kiếm. Đọc được thông tin về việc giá xăng có thể tăng cao trong những ngày tới, chị tỏ ra lo ngại.

“Giờ chấm công của mình là 8h30, mỗi ngày đi làm, tôi mất khoảng 1 tiếng đi xe từ nhà đến công ty. Đổ xăng trung bình 2-3 ngày/1 lần, có khi hôm trước hôm sau phải đổ vì công việc cần đi khảo sát thị trường, cửa hàng khá nhiều. Chi phí trung bình cho việc đi lại hiện tại là 1.500.000 đồng/tháng. Lạm phát nên mọi giá nguyên vật liệu đều tăng, giá xăng tăng thì nhiều, giảm thì ít, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu rất lớn. Với tình trạng giá xăng vẫn tiếp tục tăng như này thì rất khó cho những người đi làm xa như mình” - chị Dương Thị Minh Nguyệt chia sẻ.

Tương tự, anh Hoàng Việt Cường - nhân viên văn phòng tại Hà Nội - chia sẻ với phóng viên: “Mỗi ngày, tôi thường di chuyển 17km từ Lò Đúc đến chỗ làm tại Khu đô thị Ecopark. Trước đây, đổ đầy bình xăng chỉ mất 120.000 đồng, còn giờ phải mất tới 150.000 đồng, chi phí cho việc đi lại tăng lên rất nhiều”.

Trong đợt “bão giá” này, nhiều người dân chia sẻ, họ không dám về quê bằng xe cá nhân vì xăng đắt đỏ, đang cân nhắc di chuyển bằng xe buýt nhưng lại lo ngại giá vé tăng cao do ảnh hưởng của thị trường.

Giá thực phẩm tăng cao khiến nhiều người nội trợ phải cân đo chi tiêu. Ảnh: Dương Thuỳ 

Lựa chọn nào cho người dân?

Xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ nên khi xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường.

Ghi nhận của phóng viên, do ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn “bão giá”, nhiều chủ trọ trên địa bàn Hà Nội buộc phải tăng giá. Tiền thuê nhà đồng loạt được nâng lên từ 100.000 - 300.000 đồng/phòng so với trước đó.

Anh Phạm Minh Đức (23 tuổi), đang sinh sống trên địa bàn phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Cuối tháng 5 này, anh hết hạn hợp đồng thuê phòng trọ. Giờ anh muốn gia hạn hợp đồng thì được chủ trọ thông báo, giá phòng trọ đã tăng từ 2.000.000 đồng lên 2.300.000 đồng với căn phòng rộng 10m2. Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hoà tăng cao, giá xăng tăng cùng các chi phí khác khiến anh đã phải “bóp ví” chi tiêu.  

Nhiều gia đình đã sớm có kế hoạch mua ôtô ngay sau khi cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới, nhưng kế hoạch vẫn chưa thể thực hiện do lo ngại nhiều chi phí phát sinh trong bối cảnh giá xăng dầu không có dấu hiệu giảm.

Sau nhiều phiên điều chỉnh xăng dầu, người dân dường như đã dự đoán được và có sự chuẩn bị về mặt tâm thế, “thắt chặt” trong chi tiêu. Một số hộ gia đình quyết định cắt giảm những khoản chi không cần thiết như: Du lịch gia đình, mua sắm quần áo, mua thực phẩm. Thay vào đó, sẽ thay đổi phương tiện đi lại, mua sắm thực phẩm, trang thiết bị đã lên kế hoạch sẵn từ trước.

Chị Lê Minh Ánh, hiện sinh sống tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội) - cho hay: “Vợ chồng chị từ khi có bé thứ hai cũng phát sinh nhiều chi phí. Trong tình hình giá cả “leo thang” hiện nay, gia đình chị may mắn chỉ ảnh hưởng nhỏ, do hầu hết thực phẩm đều được gửi từ Nam Định lên”.

Về phía những người dân thu nhập thấp, cuộc chiến về giá cả vẫn là một bài toán căng thẳng.  

Trước những khó khăn của người dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của toàn bộ cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội trước mỗi phiên điều chỉnh giá.

Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, các hành vi cố ý găm hàng chờ tăng giá, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn