MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái thanh long đang cần "giải cứu". Ảnh: K.Q

“Giải cứu” thanh long trước dịch bệnh, nhưng bằng cách nào?

Kỳ Quan LDO | 05/02/2020 16:11
Lượng thanh long tồn kho tại Long An ước tính khoảng 30.000 tấn do ảnh hưởng của dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra. Tỉnh Long An đang “cầu cứu” các địa phương trên cả nước và các doanh nghiệp giúp “giải cứu” nông dân trồng thanh long.

Ngày 5.2, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tìm giai pháp tiêu thụ trái thanh long trước tình hình loại trái cây này không tiêu thụ được sang thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra.

Tỉnh Long An đã mời Sở Công thương các địa phương miền Đông và Tây Nam bộ và TP.HCM, cùng các nhà phân phối lớn như Coop.Mart, Big C, Mega Market… đến dự hội nghị và bàn giải pháp “giải cứu” trái thanh long của tỉnh.

Hội nghị bàn giải pháp “giải cứu” trái thanh long. Ảnh: K.Q

Theo ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công thương Long An, hiện toàn tỉnh có gần 9.600ha thanh long đang cho trái, sản lượng gần 300 ngàn tấn/năm. Trong đó 70 - 80% tiêu thụ thị trường Trung Quốc, phần nhiều ở Hồ Bắc – Vũ Hán.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra, sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được cuối tháng 1 và trong tháng 2.2020 ước tính vào khoảng 30 ngàn tấn. Trong đó đang tồn trong kho khoảng 2 ngàn tấn, thanh long đang chín tới trên cây khoảng 28 ngàn tấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Phạm Văn Cảnh - cho rằng, cần sớm mở rộng, phát triển thị trường trái thanh long. Ảnh; K.Q

Do thị trường Trung Quốc tạm ngưng nhập thanh long nước ta vì dịch bệnh, các khách hàng hủy hợp đồng mua hàng, giá thanh long rớt mạnh từ khoảng 40 ngàn đồng/kg, giờ chỉ còn chưa tới 10 ngàn đồng/kg. Thậm chí có khách hàng chỉ hỗ trợ nông dân 4 ngàn đồng/kg và không nhận hàng… Trên các tuyến đường ở Long An đã thấy bày bán thanh long với giá 3.000 – 4.000đ/kg. Theo những người trong cuộc, giá này không đủ chi phí thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển…

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An – ông Nguyễn Quốc Trịnh, do lượng hàng tồn kho và hàng thu hoạch quá nhiều, nhiều nhà kho phải đóng cửa, không thu mua, nhiều vườn thanh long vẫn treo trái chín trên cây.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An - ông Nguyễn Quốc Trịnh: “Trái thanh long vẫn treo trên cây, gây thiệt hại cho nhà vườn“.

Theo lãnh đạo tỉnh Long An, từ sự cố này càng thấm thía hậu quả của việc hàng nông sản lệ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường. Từ đây đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại thị trường thanh long nói riêng và nông sản nói chung… Đó là công việc của ngày mai, còn nhiệm vụ cấp bách bây giờ là “giải cứu” nông dân trồng thanh long tỉnh Long An. Nhưng giải cứu bằng cách nào?

Ngành sản xuất thanh long tỉnh Long An đang gặp khó. Ảnh: K.Q

Các ý kiến tại hội nghị cho thấy, hiện trái thanh long đang “tràn ngập” chợ các tỉnh miền Tây và TP.HCM, nên không hi vọng tăng thêm tiêu thụ thanh long ở đây. Nếu tổ chức kết nối tốt, có thể tiêu thụ được mặt hàng này ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Nhưng cũng chỉ được một phần trong số gần 80% sản lượng thanh long tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc đang ứ đọng. Trong khi ngoài Long An, thanh long các tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận cũng đang cần được “giải cứu”

Tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An  kiến nghị và được các ngành có liên quan cơ bản đồng thuận là: Nâng hạn mức nợ, gia hạn nợ cho cho các doanh nghiệp kinh doanh, nông dân trồng thanh long; ưu tiến bố trí vốn để hoàn thiện các kho trữ thanh long; ưu đãi lãi suất vay để mua trữ thanh long;…     

Theo nhiều đại biểu, nếu tình hình dịch bệnh không sớm dịu đi, thị trường Trung Quốc chưa thể khơi thông trở lại, trái thanh long nói riêng nhiều loại nông sản khác của Việt Nam nói chung, sắp tới khó mà tránh thiệt hại nặng, dù cho các địa phương có nhiều nỗ lực “giải cứu”. Vấn đề phát triển, cơ cấu lại thị trường, nâng cao chất lượng hàng nông sản để xuất khẩu được sáng các thị trường cao cấp hơn... đặt ra càng bức thiết hơn! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn