MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội treo biển hết xăng (ảnh ghi nhận chiều 29.1). Ảnh: Cường Ngô

Giải quyết căn cơ những bất ổn của thị trường xăng dầu

Cường Ngô LDO | 01/02/2023 07:15

Hàng loạt cây xăng ở Hà Nội, An Giang và một số tỉnh thành thông báo hết xăng dầu, nghỉ bán. Doanh nghiệp “than” càng bán càng lỗ do những bất cập trong Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Mấu chốt vấn đề là sửa Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.

Những điểm chưa phù hợp với thực tiễn

Những ngày qua, tình trạng hết xăng, hay nghỉ bán hàng đã làm “nóng” thị trường xăng dầu. Các địa phương được Bộ Công Thương nêu tên gồm Hà Giang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Hưng Yên, TPHCM, Trà Vinh và Ninh Bình. Nguyên nhân được các doanh nghiệp phản ánh là do lùi kỳ điều hành về ngày 1.2, thay vì ngày 21.1 theo quy định vì trùng dịp lễ Tết.

Việc lùi kỳ điều hành, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tiếp tăng, biến động theo ngày, khiến cho giá nhập hàng của các doanh nghiệp khi về đến kho đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành. Điều này dẫn đến việc các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị giảm, hoặc cắt chiết khấu (chiết khấu 0 đồng), thậm chí âm nặng khi doanh nghiệp bán lẻ phải gánh một loạt các chi phí như chi phí vận chuyển, chi tiền lương, bảo hiểm...

Tức là, kịch bản “càng bán càng lỗ” lại tái diễn. Trong khi, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có quyền dừng bán hàng và họ cũng không chủ động được nguồn hàng khi chỉ được nhập hàng từ một thương nhân phân phối hoặc đầu mối duy nhất.

Mấu chốt vấn đề là sửa Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Việc gấp rút sửa đổi Nghị định này cũng được nêu rất rõ tại Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định 95 và 83; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với những mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân dịp Lễ hội đầu năm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu đã được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, theo một số đánh giá của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, đề xuất của Bộ Công Thương gần như không giải quyết được các vấn đề tồn tại, gồm chiết khấu, nguồn hàng, kỳ điều hành, giá bán lẻ.

Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam (tỉnh Lâm Đồng) - cho hay, quy định của Nghị định 95 hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, làm doanh nghiệp bán lẻ mất quyền định đoạt trong giao dịch kinh doanh.

Cụ thể đối với doanh nghiệp bán lẻ, quan trọng nhất là chiết khấu, vậy mà trong suốt thời gian dài vừa qua, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gần như không có. 

"Tôi đề nghị cần quy định tỉ lệ chiết khấu cố định tối thiểu 7%/giá bán lẻ theo từng thời điểm cho đại lý bán lẻ trong cơ cấu giá thành cơ sở" - ông nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phủy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công Tâm Tháp Mười - doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Đồng Tháp đã chỉ ra những điểm chưa phù hợp với thực tiễn của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Như doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được mua hàng của một đầu mối, được thể hiện rõ trong giấy đủ điều kiện kinh doanh. "Việc này tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối có quyền đưa ra các quy định về chiết khấu không phù hợp với doanh nghiệp bán lẻ, dẫn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ thấp, thậm chí là không có" - bà nói.

Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Hồng Phủy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công Tâm Tháp Mười - cho rằng, khi sửa đổi Nghị định 95 và 83 cần cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mua hàng của nhiều đầu mối, bãi bỏ thông tin doanh nghiệp đầu mối trên giấy đủ điều kiện kinh doanh. Đồng thời, tính thêm các khoản chi phí như vận chuyển, hao hụt, dịch vụ bán lẻ… vào giá cơ sở. Trong đó, giá thành vận chuyển từ kho về cửa hàng tính theo cung đường, hao hụt tính theo quy chuẩn tỉ lệ hao hụt, chi phí dịch vụ bán lẻ tối thiểu 1.200 đồng/lít.

"Khi sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm đến các doanh nghiệp ở phân khúc kinh doanh bán lẻ. Các quy định hiện tại của Nghị định 95 đang quá ưu ái cho doanh nghiệp đầu mối, trao cho họ quyền định đoạt khi đã ký hợp đồng đại lý" - bà Phuỷ cho hay.
Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội treo biển hết xăng (ảnh ghi nhận chiều 29.1). Ảnh: Cường Ngô 

Sửa đổi Nghị định 95 một cách thận trọng và công tâm mới mong bình ổn thị trường

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Giá (Bộ Tài chính) - cho biết, trước những bất ổn của thị trường xăng dầu cần một tổng chỉ huy quyết sách ngay các giải pháp, sửa đổi Nghị định 95 một cách thận trọng và công tâm mới mong bình ổn thị trường.

Sửa đổi Nghị định về xăng dầu theo hướng cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu, không chỉ những thị trường có thuế suất ưu đãi, mà cả những thị trường có thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung.

Điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng...

Trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh định mức của tất cả các khâu trong kinh doanh xăng dầu, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu, tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí từ đó chấm dứt tính trạng chiết khấu 0 đồng. Thậm chí cơ quan nhà nước có thể hướng dẫn tỉ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức.

Đồng thời đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn, từ 10 ngày xuống 5 ngày (phù hợp với phương thức mua, bán 2-1-2); tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ, lễ, Tết… nhằm để phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới, giảm sự "lệch pha" giữa giá trong nước với thị trường thế giới.

Sẽ điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu

Trước những biến động thị trường xăng dầu trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh để khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường. Theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn