MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân vẫn xếp hàng dài tại một cây xăng ở Hà Nội (ảnh chụp trưa 15.11). Ảnh: Tường Vân

Gỡ điểm nghẽn của thị trường xăng dầu

Cường Ngô LDO | 16/11/2022 08:24

3 ngày sau khi chi phí kinh doanh xăng dầu được tăng, doanh nghiệp phản ánh vẫn khó nhập hàng do thị trường còn khan nguồn cung. Chính vì vậy, theo lãnh đạo các doanh nghiệp xăng dầu, tạm thời phải nâng lợi nhuận định mức lên, kích thích tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp trước khi chờ sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Nơi dễ thở, nơi vẫn khó đổ xăng

Trưa 15.11, anh Nguyễn Tuấn (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn phải kiên nhẫn nhích từng chút một trước trạm xăng trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) chờ tới lượt đổ. Gần 20 phút trôi qua, anh Tuấn vẫn chưa thể đưa xe gần tới cột bơm nhiên liệu, phía trước anh còn khoảng chục khách cũng đang nhích từng chút, chờ đợi. “Tôi ghé qua 2 cây xăng tư nhân, nhưng đều thông báo hết xăng, còn dầu. Đây là cây thứ 3 còn xăng nhưng phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt” - anh nói.

Cùng cảnh ngộ, anh Phạm Văn Hưng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ, khi đi đổ xăng vẫn còn tình trạng một số cây xăng chỉ bán giới hạn 50.000 đồng với xe máy và 500.000 với ôtô. “Tôi hy vọng, trong kỳ điều chỉnh tới sẽ chấm dứt tình trạng xăng dầu bán nhỏ giọt, người dân dài cổ xếp hàng chờ đến lượt đổ xăng” - anh Hưng nói.

Dù vẫn còn một số cây xăng khó khăn trong vấn đề nguồn cung, người dân phải xếp hàng chờ đợi khi đổ xăng như phản ánh ở trên, thì còn lại phần lớn các cây xăng khác ở Hà Nội, việc đổ xăng đã bớt căng thẳng hơn trước đó.

Theo ghi nhận của Lao Động, tại cây xăng trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), lượng xe đổ về đây không quá đông, việc đổ xăng diễn ra bình thường. Khách hàng cũng chỉ đợi khoảng 5-7 phút là đến lượt mua, dù đây là cây xăng có diện tích khá nhỏ.

Tại cây xăng trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) trưa ngày 15.11, không có cảnh xếp hàng đổ xăng tại đây. Các khách hàng đều được đáp ứng lượng xăng theo yêu cầu.

Dù vậy, nói về nguồn cung xăng dầu những ngày qua, ông Nguyễn Văn Tiu - Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực I - cho hay, nguồn cung hàng vẫn khan hiếm dù chi phí kinh doanh đã được điều chỉnh, cập nhật vào giá cơ sở tại kỳ điều hành ngày 11.11.

"Chúng tôi vẫn phải lấy hàng với chiết khấu 0-50 đồng mỗi lít. Hàng nhập được ít nên khi vừa về, ông chia cho các cửa hàng bán lẻ trong hệ thống. Mỗi nơi bán được trong nửa ngày hoặc nhiều nhất một ngày lại tạm hết. Đây cũng là lý do khiến nhiều cửa hàng chỉ bán hạn chế 50.000 đồng một lần đổ với xe máy, 300.000 đồng với ôtô" - ông nói.

Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam được Bộ Tài chính tăng thêm 290-560 đồng với xăng và dầu là 160-660 đồng/lít từ 11.11. Nhưng theo các đơn vị kinh doanh, mức chi phí vừa được điều chỉnh của cơ quan quản lý vào giá cơ sở vẫn chưa phản ánh đúng, đủ thực tế.

Chẳng hạn, theo số liệu Petrolimex báo cáo Bộ Tài chính, chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) với xăng RON 92 (loại để pha chế xăng E5 RON 92), chênh lệch 622 đồng; xăng RON 95 là 551 đồng, các mặt hàng dầu cũng chênh 300-680 đồng một lít.

Chi phí kinh doanh vẫn là "điểm nghẽn" của thị trường xăng dầu

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam - nhấn mạnh, "chi phí kinh doanh là điểm nghẽn mấu chốt" của thị trường thời điểm qua. Do đó, để ổn định được thị trường xăng dầu thì cần thiết phải sửa đổi đúng và đủ vấn đề này.

Theo ông, trong cấu trúc của Nghị định 95, công thức giá cơ sở có hai phần, gồm công thức nhập trong nước và công thức nhập nước ngoài. Nguyên lý không có gì khác nhau, nhưng công thức nhập từ nước ngoài được cộng thêm phụ phí 2-3 USD, trong khi mua hàng trong nước lại không được.

Thực tế, cơ cấu nhập khẩu chỉ chiếm 20-25%, phần còn lại là mua trong nước. Như vậy, điểm vênh này khiến cho phần lớn DN bị tụt vốn, bởi có những phụ phí khi mua hàng trong nước phải gánh khoảng 0,8-1USD, nhưng phụ phí này không được đưa vào công thức tính giá.

Còn với chi phí lưu thông, vẫn giữ mức 1.350 đồng/lít áp dụng từ năm 2014, theo ông Bảo, cũng cần phải điều chỉnh khi hiện nay còn rất nhiều loại chi phí khác mà doanh nghiệp phải chi như: Hải quan yêu cầu các đầu mối nhập khẩu tự động kết nối; thuế cũng yêu cầu lắp VAT để trả từng hóa đơn bán lẻ cho người tiêu dùng; rồi đòi hỏi của quá trình chuyển đổi số, thanh toán không tiền mặt…

"Tất cả đều phải có chi phí và chi phí rất lớn, vậy nguồn này ở đâu? Đây cũng là lý do các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp" - ông Bảo đặt vấn đề.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, công thức tính giá đã lỗi thời, cần có những điều chỉnh theo những chi phí phát sinh hiện nay.

"Điều chỉnh cần theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm: Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; tỉ giá; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu" - ông Thỏa nói.

Bên cạnh đó, theo ông Thoả, cần bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối. Thay thế quy định trên bằng quy định, một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, đăng ký hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối mà mình ký kết.

Lý do đưa ra giải pháp này là vì thời gian qua, khi thương nhân mua từ nhiều nguồn xảy ra tình trạng cam kết hợp đồng không chặt chẽ. Khi thị trường cung - cầu biến động, khó có thể huy động được hàng từ các nhà cung cấp. Do đó, ông cho rằng, các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện các quy định trong hợp đồng được chặt chẽ hơn, trên cơ sở kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý để tránh tình trạng được mua nhiều nguồn nhưng không chịu trách nhiệm về việc đảm bảo nguồn.

Những góp ý trên, theo các chuyên gia là để dần đưa xăng dầu trở lại hoạt động kinh doanh tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường. Từ đó, xóa bỏ tình trạng bảo hộ bất hợp lý, không bình đẳng giữa các doanh nghiệp (ví dụ về việc bao tiêu sản phẩm) nhằm tạo môi trường để doanh nghiệp được tự chủ thực sự trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn