MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Ngạc nhiên khu chợ cóc chiếm lĩnh cả đoạn đường hàng chục năm

KHÁNH HẠ - HÀ PHƯƠNG LDO | 14/06/2018 12:58

Ngày nào cũng có công an kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng chợ cóc trên đoạn đầu đường Láng, Hà Nội vẫn tấp nập người mua hàng chục năm nay.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, chợ cóc tại khu vực đầu đường Láng (kéo dài từ phố Cầu Mới qua cây xăng đường Láng) bắt đầu hoạt động từ 2h sáng đến khi công an "đuổi".

Kẻ bán người mua đông vui như chợ tết.

Lý do chợ cóc này tồn tại được hàng chục năm là do "vaccine" phòng bệnh quá hữu hiệu. Trả lời PV, chị Phạm Mai Linh - chủ một sạp rau chia sẻ: "Bán ở đây từ 2h sáng, công an cũng đuổi nhưng chẳng có công an nào đuổi giờ này cả. Khoảng 6-7h sáng họ mới đi thì lúc đó tôi cũng sang chợ khác bán rồi".

Cùng câu trả lời, anh Nguyễn Văn Tiến nói: "Công an đuổi thì chạy, nhưng lúc họ đuổi thì hầu như là gần hết hàng rồi, chạy cũng dễ, mỗi thứ một túi nilon hai vợ chồng chia nhau ra là xong. Buôn bán phải chạy công an nhiều nên phản ứng nhanh lắm". 

Người dân "thắp đèn" đi chợ đêm.

Theo quan sát, chợ cóc khu vực này bán đủ các loại thực phẩm thiết yếu, chủ yếu là bán buôn cho các tiểu thương tỏa về các chợ khác. Vì vậy, giá bán ở đây chỉ bằng 1/3 giá bán thông thường.

 

Khi hỏi về "lịch sử" chợ cóc này, nhóm PV rất ngạc nhiên vì chợ đã tồn tại hàng chục năm nay. "Tôi bán ở chợ này hơn chục năm nay rồi. Làm gì có xây chợ nào đâu em, nếu có xây chợ thì cũng chưa đến lượt chúng tôi được ngồi đó" - chị Tạ Thị Thanh, chủ một gánh hàng hoa quả nói.

 

Trong quá trình mua bán, các phế phẩm từ việc giết mổ cá, gia cầm được người bán vứt bỏ bừa bãi ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường khiến khu vực này trở nên nhếch nhác và mất vệ sinh. Không những thế, nước thải từ việc giết mổ cũng được người bán đổ ngay tại đây khiến đoạn đường này bốc mùi hôi tanh. Thậm chí, rác thải từ hàng rau, hoa cũng được vô tư chất đống bên lề đường.

Để thuận tiện cho việc di chuyển, thay vì dùng bàn, nhiều cửa hàng bán thịt lợn, thịt gia cầm đã chuyển sang dùng mẹt; hàng hóa các loại, dụng cụ hành nghề như dao, thớt, xô, chậu… cũng được các tiểu thương chất đống lên xe máy, xe đạp… Chỉ cần thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng, chợ cóc ngay lập tức "nhảy" đi chỗ khác.

 

Đòi lại vỉa hè, giải tỏa chợ tạm, chợ “cóc” thì dễ, nhưng duy trì kết quả đã đạt được lại rất khó. Vì thế, chính quyền các địa phương nên kiên định thực hiện chủ trương sắp xếp, quy hoạch lại chợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn