MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng quán Sài Gòn chật vật vì thịt heo ngày càng tăng cao

Phan Anh LDO | 16/12/2019 07:50
Thay đổi thực đơn, tăng giá hay thậm chí là dừng bán các món ăn có thịt heo... là những phương án được nhiều hàng quán tại TPHCM tính đến trong bối cảnh giá thịt heo ngày càng tăng mạnh.

Thay đổi khẩu phần ăn

Theo ghi nhận tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM, giá thịt heo vẫn đang có xu hướng tăng.

Tại Big C, thịt heo Meat Deli được bán như sau: ba rọi heo được bán với giá 182.900 đồng/kg, nạc dăm heo có giá 147,900 đồng/kg, sườn non hem niêm yết ở mức 248.000 đồng/kg, thịt heo xay có giá 134.900 đồng/kg...

Giá thịt heo Meat Deli tại siêu thị Big C. Ảnh: Phan Anh

Trong khi đó, thịt heo VietGap được bán như sau: sườn non được niêm yết ở ngưỡng 214.000 đồng/kg, nạc thăn heo có giá 149.000 đồng/kg, cốt lết heo có giá 114.000 đồng/kg, ba rọi heo rút xương là 199.000 đồng/kg...

Trước thực trạng giá heo tăng nhanh, nhiều người quyết định thay đổi khẩu phần ăn cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa (quận 1, TPHCM) chia sẻ: "Từ ngày giá heo tăng mạnh việc nội chợ của tôi cũng có nhiều thay đổi. Trước đây tôi hay mua thịt heo để làm món ăn cho gia đình nhưng hiện tại giá quá đắt, tôi mua những món khác để thay đổi thực đơn. Nhưng thực ra thịt heo vẫn là dễ ăn và lâu ngán nhất nên tôi vẫn phải mua thường xuyên. Tôi có nghe thông tin Việt Nam sắp nhập khẩu thịt heo nhưng tôi cho rằng nó chỉ bù vào nguồn cầu đang thiếu chứ giá thịt sẽ không được cải thiện nhiều".

Nhiều người quyết định thay đổi thực đơn cho gia đình vì giá thịt heo tăng cao. Ảnh: Phan Anh

Lê Phước Nhàn (sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ: "Là sinh viên nên chi tiêu của tôi thường khá kỹ lưỡng. Trước đây giá heo rẻ thì ăn thường xuyên, nhưng giờ đắt quá nên tôi bắt buộc phải chuyển ăn món khác để tiết kiệm chi tiêu. Kể cả khi đi ăn quán tôi cũng ít gọi món có thịt heo vì các hàng quán bây giờ đều tăng giá với lý do thịt heo tăng".

Hàng quán ngao ngán

Chỉ vào khay thịt lợn trên khay thịt trên tủ đồ ăn, anh Nguyễn Văn Nam (chủ một quán cơm tấm trên đường Bàn Cờ, quận 3, TPHCM) nói: "Trước đây để mua một kg thịt loại này chỉ 80.000 đồng, nhưng hiện tại tôi nhập ở mối quen với giá gốc đã là 140.000 đồng/kg, tức là tăng gần gấp đôi. Mình giảm thịt đi thì khách phàn nàn, tăng giá thì cũng không muốn vì giá niêm yết từ lâu rồi".

Cùng chung tâm tư, bà Nguyễn Thị Hồng (một người bán đồ ăn hơn 10 trên đường Cao Thắng, quận 3, TPHCM) chia sẻ: "Heo mắc quá, nhưng bán đồ ăn bao lâu nay giờ nghỉ không được. Cũng không muốn tăng giá nhưng thịt tăng quá cao mà không tăng giá thì lỗ. Người nào hiểu thì người ta thông cảm cho, chứ nhiều người cũng phàn nàn vì bán mỗi ngày một giá".

Bài toán giữ chân khách hàng trở nên gian nan đối với nhiều hàng quán. Ảnh: Phan Anh

Theo bà Hồng, nếu như trước đây bà bán 1 suất cơm tấm sườn nướng với giá 25.000 đồng thì hiện phải tăng lên 30.000 đồng. Tuy đã tăng giá khá cao, bà Hồng cho biết vẫn không được lãi như trước.

"Trước đây mỗi ngày tôi nhập 6kg thịt heo để chế biến bán cho khách, nhưng hiện tại tôi chỉ mua 3kg. Vì giá heo đắt hơn, và cũng bởi người mua cơm cũng giả ăn thịt heo so với trước", bà Hồng nói thêm.

Theo Bộ Công Thương, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Để bù đắp nguồn cung, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn nhập khẩu thịt lợn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhiều lần nhấn mạnh:

"Việc nhập khẩu thịt lợn cần kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng. Ông Dương cũng lưu ý rằng, hiện nay giá thành sản phẩm thịt lợn trên thế giới đang cao lên, nên nguồn thịt nhập khẩu được kiểm dịch tốt, xuất xứ tốt, hạn sử dụng tốt thì giá cũng không rẻ".

Theo Bộ Công Thương, với mục tiêu đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Công Thương chỉ cho phép nhập khẩu thịt lợn từ những nguồn hàng có chất lượng. Hiện nay, có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Ireland, Litva,  Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Niuzelan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn