MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 600 doanh nghiệp ở Quảng Nam “chết yểu” ngay đầu năm 2024

Hoàng Bin LDO | 11/03/2024 07:51

Khó khăn chồng chất khiến hàng trăm doanh nghiệp tại Quảng Nam đã phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động ngay từ đầu năm nay.

Doanh nghiệp “kêu cứu”

Ngày 10.3, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 2 tháng đầu năm 2024, đã có đến 619 doanh nghiệp của tỉnh rút lui khỏi thị trường (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 562 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 26 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 31 doanh nghiệp giải thể.

Ngược lại, chỉ có 152 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn khoảng 569 tỉ đồng, giảm 44,4% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Quảng Nam gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tháng 3.2024. Ảnh: Lê Diễm

Tại cuộc gặp gỡ của doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới đây, ông Trần Xuân Đính – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt cho rằng, hiện nay, trong luật còn quá nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, khiến doanh nghiệp gặp khó. Như quy định giải phóng mặt bằng 100% mới cho làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì doanh nghiệp sẽ không có đủ kinh phí để làm tiếp các giai đoạn của dự án.

Ngoài ra, trong bối cảnh cơ chế tín dụng bị siết chặt, “có nhiều doanh nghiệp mang cả sổ tiết kiệm đến cũng không được ngân hàng cho vay. Nếu các ngân hàng cứ quyết giữ cơ chế như hiện nay thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ chết vì bế tắc”, ông Đính nói.

Doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong ảnh: Một dự án bất động sản triển khai tại TP Tam Kỳ. Ảnh: Hoàng Bin

Tương tự, theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhóm doanh nghiệp du lịch tuy có bước phục hồi đáng kể nhưng khó khăn nhất hiện tại là vướng cơ cấu nợ ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp xây dựng thì gặp khó vì giá vật tư, vật liệu đến chân công trình quá cao, khan hiếm khiến doanh nghiệp đã lỗ ngay từ khâu đấu thầu.

Chính quyền cần hành động thiết thực sau cam kết đồng hành

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho rằng, doanh nghiệp chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, nếu không được tỉnh tháo gỡ kịp thời sẽ lâm vào cảnh bế tắc, phá sản.

Theo ông Nguyễn Xuân Nhàn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinaconex25, hiện điểm nghẽn rất lớn là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây là việc khó nên tỉnh cần bố trí cán bộ giỏi và chính sách ưu tiên, động viên bộ phận làm đền bù. Nhiều việc gây tốn thời gian của doanh nghiệp cần được rút ngắn.

Mức giá đền bù theo quy định hiện hành của Nhà nước thấp hơn nhiều lần so với giá trị thị trường khiến công tác đền bù, giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Bin

Ông Nhàn dẫn chứng: “Ví dụ gửi văn bản ý kiến kiến nghị các bộ, ngành đã hơn 3 tháng. Trong khi dự án mà doanh nghiệp tôi đang làm đã vay 300 tỉ đồng với lãi suất 12%, nếu dự án càng kéo dài thì doanh nghiệp càng lỗ, chưa kể người lao động không có việc làm cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp rất cần thời gian nên không lãng phí được”.

Cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nâng hạn mức vay vốn, tái cấu trúc nợ, có cơ chế định mức cho vay theo khối lượng giá trị đã được nghiệm thu…

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã rất nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tháo gỡ này cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn ở Quảng Nam đang gặp khó khăn do không thu hút được với các thị trường tiềm năng, thiếu vốn. Ảnh: Hoàng Bin

Các cuộc thanh, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong triển khai dự án tại tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Trí Thanh cho biết, bên cạnh xử lý sai phạm theo kết luận Thanh tra, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước mắt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp hợp lý, nhưng dường như vượt quá thẩm quyền của địa phương, tỉnh sẽ đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền ở Trung ương giải quyết theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn