MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các sản phẩm nước giải khát làm nhái thương hiệu bị lực lượng 389 thu giữ

In ấn lậu: “Trợ thủ” số một của hàng giả - hàng nhái

Minh Hạnh LDO | 09/03/2018 06:30
In ấn lậu nói riêng và hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản nói chung đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp và kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản và bạn đọc. Ngoài việc vi phạm bản quyền tác phẩm, việc in lậu còn đang là trợ thủ đắc lực trong việc in tem nhãn, bao bì các loại hàng giả, hàng nhái đang là thách thức cho toàn xã hội.

Vấn nạn sách lậu

Việc in lậu xảy ra thường xuyên, khi 1 cuốn sách tốt ra thị trường, dường như ngay lập tức xuất hiện sách lậu, ngoài việc vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả, sách lậu còn phá vỡ môi trường cạnh tranh lành mạnh. Dạo quanh khu vực đường Láng, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng... của Hà Nội, phần lớn các nhà sách đều có giảm giá từ 10%-15%. Theo ông Đỗ Mạnh Phú - Cty in Phú Châu - hiện cả nước có hàng nghìn Cty in ấn, trong đó chỉ có 476 Cty in được cấp giấy phép xuất bản phẩm (được phép in sách, báo và tạp chí), các Cty khác cũng được cấp phép đăng ký kinh doanh nhưng chỉ được phép in tờ gấp, tờ rơi... những mặt hàng này không yêu cầu về giấy phép xuất bản. Việc có giấy phép xuất bản phẩm quy định rất khắt khe, từ việc bằng cấp của giám đốc đến mặt bằng và mô hình hoạt động... Nhưng 1 cuốn sách khi đưa ra thị trường được bạn đọc quan tâm (bán chạy) thì sẽ xuất hiện việc in lậu. Cụ thể, 1 tập sách với giấy phép xuất bản 1.000 cuốn, khi ra thị trường bán chạy thì có thể Cty đến nhà xuất bản xin tái bản, cùng đó, có trường hợp thấy sách bán chạy, một số đối tượng đã mua sách về, đánh máy lại và in lậu để tung ra thị trường. Gần đây nhất và tháng 6.2017, Đội Quản lý thị trường số 14, Quản lý Thị trường TP.Hà Nội đã phát hiện Cty TNHH Thương mại Hải Anh tại số 54, ngõ 459 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng đang có hành vi in ấn trái phép 10.000 bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 dưới dạng bán thành phẩm, giá trị khoảng 300 triệu đồng. Qua kiểm tra, toàn bộ ấn phẩm trên là sách in lậu và vi phạm nghiêm trọng bản quyền.

Những trường hợp in lậu như vậy rất nhiều và rất khó kiểm soát vì chỉ cần 1 căn phòng nhỏ với 1 chiếc máy in kết nối với 1 máy tính là mỗi ngày cho ra đời hàng ngàn sản phẩm, gây thiệt hại rất lớn đối với tác quyền, tác giả. Việc này đang diễn ra hàng ngày nhưng không có ai quản lý. Do vậy, để bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm và giữ trật tự trong in ấn để người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm văn hoá đúng mục đích, cơ quan chức năng cần phải siết quản lý chặt các nhà in và quy rõ trách nhiệm cho các nhà in.

Trợ thủ đắc lực của hàng giả, hàng nhái

Theo ông Trần Hùng - Phó Cục trường Cục QLTT (Bộ Công thương) - muốn chống hàng giả có nhiều biện pháp, trong đó một trong những số liệu để ngăn chặn hàng giả ngay từ đầu, đó là quản lý và giám sát chặt các cơ sở in ấn vì tem mác, bao bì giả đều được in trong nước từ đây để truy ra các sản phẩm làm giả. Cũng theo ông Hùng, phần lớn các mặt hàng làm giả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước lân cận, sau khi vào Việt Nam được phù phép làm giả các nhãn mác các sản phẩm của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để bán ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Cụ thể, vừa qua các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ phân bón giả, mỹ phẩm giả điển hình như vụ Khải sill lấy lụa Trung Quốc gắn mác lụa Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng, hay vụ đặc nghiêm trọng là VN Pharma buôn bán thuốc chữa bệnh giả. Do vậy, cần phải thay đổi các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi buôn bán, sản xuất các mặt giả. Việc quản lý hàng hoá lưu thông trên thị trường trước hết phải quản lý nơi sản xuất các bao bì nhãn mác.

Theo quy định, khi đưa các sản phẩm bao bì đi in, bắt buộc phải có giấy phép cho phép lưu hành sản phẩm ra thị trường, cụ thể các mặt hàng về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... khi in tem nhãn, bao bì phải có giấy phép công nhận sản phẩm đạt chất lượng được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam của Cục ATVSTP (Bộ Y tế); sách, báo phải có giấy phép xuất bản và nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về nội dung... Nhưng khi các sản phẩm đang hút trên thị trường thì sẽ có ngay 1 sản phẩm với bao bì mẫu mã tương tự chỉ khác một vài chữ cuối như: Choco Pie thành Chocoo Piee... “Việc các Cty làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, để tránh bị phát hiện họ hoạt động theo một vòng tròn khép kín từ khâu nhập khẩu đóng gói và sản xuất bao bì. Do vậy cần tăng cường quản lý việc in ấn để kiểm soát hàng giả, hàng nhái ngay từ khâu đầu” - ông Hùng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn