MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường vào chợ đêm Phú Quốc vắng lặng, không có du khách. Ảnh: N.A

Khi Phú Quốc vắng lặng...

NGUYÊN ANH LDO | 03/09/2020 08:34

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách đến với đảo ngọc Phú Quốc sụt giảm nghiêm trọng Huyện đảo vắng khách đến mức khu chợ đêm đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động vì quá ế ẩm. 

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Sau khi khống chế và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ổn định, như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Kiên Giang có những chính sách kích cầu du lịch nội địa. Lượng khách đổ về đảo ngọc Phú Quốc trong tháng 6, 7 tăng cao đáng kể, vượt so với cùng kỳ năm 2019. Du lịch Phú Quốc bùng nổ trở lại mạnh mẽ với nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, kéo du khách quay trở lại.  

Thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, trong tháng 7 tổng lượt khách ước đạt 999.788 lượt (tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019), tăng 75,4% so với tháng 6. Riêng Phú Quốc có 706.799 lượt khách (tăng 29%). Tổng thu từ du lịch đạt 1.001,9 tỉ đồng, giảm 37,5% so với cùng kỳ nhưng lại khả quan vì đã tăng nhanh sau dịch, trong đó Phú Quốc ước đạt 636,2 tỉ đồng (tăng 1,6%). 

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 lại tái phát, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống trong đó du lịch chịu thiệt hại khá nặng nề. Du khách đến với Phú Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng, các điểm tham quan trong tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc tạm đóng cửa. 

Hơn 80% chợ đêm Phú Quốc đóng cửa 

Trái ngược hoàn toàn với không khí náo nhiệt và cảnh chen chân vào hồi tháng 6, 7, hiện nay chợ đêm rơi vào cảnh vắng tanh, ảm đạm. Từ cổng vào bên trong các gian hàng vẫn đèn sáng nhưng gần như các tiểu thương đã đóng cửa ngưng hoạt động. Một vài gian hàng vẫn cố gắng mở cửa nhưng bên trong chỉ có chủ và nhân viên. Vào sâu trong tuyến đường Bạch Đằng, chỉ vài quán hải sản mở cửa, tình cảnh tương tự cũng chỉ có chủ và nhân viên nhìn nhau, không có khách.

Chia sẻ với PV Lao Động, một số tiểu thương nói, họ còn “ráng chịu đựng” mở cửa và bày tỏ sự lo lắng vì tình hình ế ẩm, vẫn phải thuê mặt bằng trong khi nguồn thu thì không có. Bà Trần Thị Thu, chủ một gian hàng quà lưu niệm cho biết: “Nhiều ngày nay tôi không bán được gì, cứ dọn ra rồi lại dọn vô mà khách thì cũng không có ai đi du lịch nói gì đến ghé vào chợ”. 

Ông Phan Trung Danh - quyền Trưởng ban Quản lý chợ đêm Phú Quốc - cho biết: “Tình hình chung là giảm quá nhiều vì ảnh hưởng dịch bệnh. Khoảng hơn 80% số gian hàng đã đóng cửa ngưng kinh doanh, những tiểu thương này tự ngưng chứ không phải là chủ trương của Ban quản lý chợ đêm”.

Thiệt hại nặng nề cho du lịch

Trao đổi với một số tiểu thương ở chợ đêm, họ chia sẻ đang gặp nhiều khó khăn nhưng cố gắng mở cửa vì đã đóng tiền mặt bằng. Như trường hợp của quán ăn Huy Bảo gồm 4 lô ghép lại, tiền mặt bằng hằng tháng lên đến hơn 200 triệu đồng. Lực lượng nhân viên (từ phục vụ đến đầu bếp) của quán khoảng hơn 20 người, lương dao động từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng thì chi phí hằng tháng chi trả không hề nhỏ.         

Thông tin từ đại diện Công ty Ngôi Sao Biển - đơn vị chủ quản chợ đêm Phú Quốc cho biết, việc tiểu thương gặp khó khăn cũng đã kéo theo khó khăn cho công ty. Hiện tại cũng có tiểu thương nợ tiền mặt bằng nhưng do thời điểm này không buôn bán được nên phía công ty tìm cách chia sẻ. Hiện công ty đang tạm dừng thu tiền thuê mặt bằng và đã làm văn bản gửi UBND huyện Phú Quốc xin miễn tiền mặt bằng để có cơ sở miễn giảm cho tiểu thương. 

Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2020, một số cơ sở kinh doanh lữ hành xin giải thể hoặc đổi chủ, 1/2 số cơ sở lưu trú tạm ngưng hoạt động. Lực lượng lao động trong ngành Du lịch không tìm được việc làm do các cơ sở kinh doanh ngưng hoạt động trong thời gian dài. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số doanh thu du lịch bị thiệt hại khoảng 5.000 tỉ đồng, gây tổn thất lớn cho nguồn thu chung của tỉnh Kiên Giang. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn