MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là nông sản xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Ảnh: hải nguyễn

Khơi thông xuất khẩu nông sản Việt: Hiệu quả kém nếu thiếu “chiếc áo” thương hiệu

phong nguyễn LDO | 20/06/2020 08:30
Khi mạng xã hội xôn xao với việc một hộp 8 quả vải Việt Nam được bán tại Nhật Bản với giá hơn 200.000 VNĐ, nhiều người tỏ ra bái phục cách làm thương hiệu của những thương nhân Nhật. Bởi, giá trị thu về từ 8 quả vải ấy gấp nhiều lần giá trị của nhiều chùm vải được bán trên thị trường Việt Nam. Chỉ một phép so sánh đơn giản như vậy để thấy rằng, việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt vẫn đang thiếu và yếu.  

Loay hoay câu chuyện thương hiệu

Ngày 12.6, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Australia, 9 tấn vải u hồng của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này với những tên thương mại tại Australia là Golden Lychees “Fruit of luck” - với hàm ý không chỉ ngon mà màu vàng còn tượng trưng cho sự may mắn. Sản phẩm được giới thiệu kèm các hình ảnh nhận diện các loại vải u hồng với vỏ hồng điểm vàng, hay vàng, vàng xanh (u hồng, u trứng…). Giống vải quả có màu đỏ, hồng sẽ được quảng bá là Red Lychees “Fruit of love”. Ngay lập tức, những quả vải của Việt Nam với tên gọi đẹp đẽ đã được người tiêu dùng Australia tìm mua và tin tưởng về chất lượng.

Cuối năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam đã đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”, khẳng định chất lượng gạo của Việt Nam đã qua thời kỳ xuất khẩu “theo số lượng”. Hơn bao giờ hết, thương hiệu chính là “chiếc áo” tăng thêm giá trị sản phẩm.

Điều đáng tiếc là, mặc dù có nhiều sản phẩm ngon, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với nhiều sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu mang về nhiều tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu. Nhiều sản phẩm bán ra thị trường thế giới nhưng lại thông qua thương hiệu nước ngoài, thậm chí sản phẩm của địa phương này lại bị địa phương khác “nhái nhãn”.

Cụ thể, dù Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất càphê, trong đó đứng đầu thế giới về càphê robusta (cà phê vối). Thế nhưng, tại thị trường nước ngoài, càphê Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu. Nguyên nhân một phần do các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó các DN nước ngoài chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán ra thị trường.

Tỏi đặc sản Lý Sơn của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang điêu đứng vì bị trà trộn, làm mất uy tín cũng là một minh chứng cho vai trò của thương hiệu. Anh Phạm Thắm - một người con của Lý Sơn - đã không biết bao nhiêu lần đau xót gom mặt hàng này để “giải cứu” khi tỏi Lý Sơn bị các địa phương khác chở ngược từ vùng khác ra đảo để trà trộn rồi bán lại cho du khách. “Chính điều này làm hỏng mất thương hiệu loại tỏi đặc sản không vùng nào có được ở Việt Nam” - anh Phạm Thắm chia sẻ.

Thương hiệu tăng giá trị sản phẩm gấp nhiều lần

Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, thương hiệu là yếu tố quan trọng quyết định giá trị của một sản phẩm. Cũng một mặt hàng, nếu có thương hiệu cao cấp, câu chuyện về giá đã hoàn toàn khác. Nếu được chế biến sâu, giá trị sản phẩm gia tăng đã gấp nhiều lần. Các DN và người nuôi trồng đã ý thức được vấn đề này, đã chú trọng “chiếc áo” thương hiệu, nhưng vẫn còn nhiều lúng túng. 

Toàn tỉnh Bình Dương có 16 tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn trái được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích khoảng 166ha, được gắn với các nhãn hiệu tập thể như “Bưởi Bạch Đằng”, “Trái cây Lái Thiêu”, “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”; các nhãn hiệu cá nhân như “Bưởi Phương Uyên”, “Bưởi Thanh Thủy”, “Bưởi trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến”… Khi xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, nông sản của các địa phương, đơn vị này được tiêu thụ ổn định trên thị trường, giá cao, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất các mặt hàng này.

Nhằm hướng tới thị trường bền vững, bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu bưởi của huyện (sản phẩm OCOP huyện) thành đặc sản của địa phương, từ những năm 2018-2019, UBND huyện Yên Thủy đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Yên Thủy”. “Bưởi Yên Thủy” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tại Quyết định số 76495/QĐ-SHTT từ năm 2019. Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, để giải quyết căn cơ vấn đề bảo vệ và nâng tầm thương hiệu tỏi Lý Sơn, chính quyền địa phương phối hợp Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng các đơn vị chức năng liên quan đang khẩn trương triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào cuối năm nay. 

*Ngày 8.10.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 và Lễ Công bố các DN có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia (dự kiến vào quý IV/2020).

*Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, EU đang công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó có nước mắm Phú Quốc, càphê Buôn Mê Thuột, trà Tân Cương, Mộc Châu, vải Thanh Hà, Lục Ngạn... Tuy nhiên, những chỉ dẫn địa lý này chưa phủ hết các vùng trồng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Vũ Long

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn