MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh tế 24h: Hé thêm cửa cho trái phiếu

Khương Duy LDO | 18/02/2023 17:59

Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 dần sát hơn, hé thêm cửa cho trái phiếu; Nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao ở Việt Nam; Giá nhiều loại trái cây, rau củ tại TPHCM giảm mạnh, sức mua yếu... là những tin tức kinh tế đáng chú ý 24h qua.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 dần sát hơn, hé thêm cửa cho trái phiếu

Hai điểm mới thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 là thỏa thuận kéo dài thời hạn thanh toán (tối đa 2 năm) và cho phép hoán đổi trái phiếu lấy tài sản hay hoán đổi thành khoản vay. Quy định mới trong dự thảo dự báo sẽ góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về thanh khoản của nền kinh tế.

Trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỉ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ. Ảnh: Đức Mạnh

Kể từ đầu năm 2023, chỉ có một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công trị giá 110 tỉ đồng của CTCP Đầu tư Phan Vũ. Như vậy, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 1.2023 chỉ tương đương 2,1% so với tháng trước đó và 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm lớn về quy mô phát hành này diễn ra trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung và cầu.

Ông Lê Hồng Khang - Giám đốc xếp hạng tín nhiệm tại FiinRatings - đánh giá: "Trong vòng 12 tháng tới thị trường vẫn sẽ trầm lắng, chậm và sâu. Theo quan sát trong những năm gần đây, nhà đầu tư tìm đến sản phẩm này vì sự chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và tiền gửi. Tuy nhiên niềm tin của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm vừa qua. Chính vì điều đó, nên nếu hiện nay doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị cao thì sẽ rất khó tiếp cận đến nhà đầu tư". Xem thêm...

Chứng khoán: Thanh khoản thấp, rủi ro giảm điểm vẫn còn tiếp tục

This browser does not support the video element.

Chứng khoán tuần 13-17.2: Rủi ro vẫn còn hiện diện trên thị trường khi khối lượng giao dịch trong tuần qua liên tục duy trì ở mức thấp dưới trung bình 20 ngày gần nhất. Tính cho cả tuần, VN-Index tăng nhẹ hơn 4 điểm.

Giá nhiều loại trái cây, rau củ tại TPHCM giảm mạnh, sức mua yếu

Hiện giá nhiều loại trái cây, rau củ về TPHCM giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua yếu. Một số cửa hàng, siêu thị tung ra các chương trình khuyến mãi để kéo sức mua.

Tại các chợ đầu mối lớn Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, giá các loại thực phẩm, rau củ, trái cây đã giảm rất nhiều so với thời điểm đầu tháng. Trong đó, cam sành vẫn là mặt hàng có mức giá rẻ nhất khoảng 5.000 đồng/kg. Các loại trái cây, rau xanh xanh, thịt heo, thịt gà,... cũng giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Các siêu thị áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để kéo sức mua. Ảnh: Thanh Chân

Tuy nhiên, với mức giá này sức mua các mặt hàng vẫn rất chậm. “Vì lượng hàng về các kênh bán lẻ rất nhiều, mặt hàng khác cũng rẻ nên người mua có sự lựa chọn” - anh Trần Đăng - tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền lý giải.

Tại các siêu thị, sức mua cũng không có nhiều biến động. Các siêu thị Emart, Lotte, Satra,... cũng áp dụng thêm một số chương trình khuyến mãi hấp dẫn với nhiều mặt hàng nhằm kéo sức mua tăng cao. Xem thêm...

Nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao ở Việt Nam

Chuyên gia kinh tế vĩ mô cho rằng, lạm phát trong năm 2023 không phải vấn đề lớn. Từ tháng 2 sẽ chứng kiến xu hướng lạm phát giảm dần, sau đó chững lại quanh mức 3-3,5%. Tuy nhiên, áp lực nhất hiện giờ là lãi suất cho vay đang rất cao.

PGS-TS Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế vĩ mô, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, hiện sức cầu Việt Nam đang yếu đi do thu nhập người dân sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, các thị trường tài sản Việt Nam (bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu) có sự sụt giảm mạnh.

Doanh số giảm, sức mua ở mức thấp dù nhiều đại lý, nhà sản xuất xe tung đủ chiêu kích cầu. Ảnh: Huy Trần

Với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay, chi phí tiêu dùng đắt đỏ hơn và người dân có xu hướng tiết kiệm hơn. Trong năm qua, việc tăng trưởng tiền tệ rất thấp (3,9%), trong khi đó các năm trước tăng trưởng cung tiền rất cao, gần 15% (2019 - 2020) và gần 11% (2021).

"Yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ giảm rất nhiều trong năm 2023. Lạm phát trong năm 2023 không phải vấn đề lớn. Từ tháng 2 trở đi sẽ chứng kiến xu hướng lạm phát giảm dần, sau đó chững lại quanh mức 3-3,5%. Tuy nhiên, áp lực nhất hiện giờ là lãi suất cho vay đang rất cao, cần có giải pháp để kìm cương lãi suất" - ông nói. Xem thêm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn