MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh tế 24h: Nợ trái phiếu đè nặng doanh nghiệp

Khương Duy LDO | 26/12/2022 21:10

Lường trước áp lực với lạm phát, tỉ giá và lãi suất; Chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở lại bình thường; Nợ gốc, nợ lãi trái phiếu đè nặng doanh nghiệp... là những tin tức kinh tế đáng chú ý 24h qua.

Lường trước áp lực với lạm phát, tỉ giá và lãi suất

Phân tích của TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho thấy áp lực lạm phát, tỉ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023. Trong khi đó nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.

Áp lực lạm phát, tỉ giá, lãi suất còn tăng vẫn là thách thức lớn trong năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ thực tế trên, TS Cấn Văn Lực đề xuất, cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỉ giá...

Đề xuất Chính phủ có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính - bất động sản. Trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản. Xem thêm...

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở lại bình thường

COVID-19 có thể chưa biến mất hoàn toàn, nhưng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch này gây ra đã có dấu hiệu thuyên giảm.

Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã được cải thiện. Ảnh: Xinhua

Tại nhiều quốc gia, hàng hóa đang dần tiếp cận các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng nhiều hơn, bất chấp một số vướng mắc trong quá trình sản xuất cũng như tình hình COVID-19 tại Trung Quốc. Giai đoạn ùn tắc hàng hóa tại cảng đã qua. Giá vận chuyển đường biển đã giảm xuống mức thấp hơn trước đại dịch.

Soren Skou - Giám đốc điều hành Công ty vận chuyển Maersk - cho biết: “Rõ ràng là giá cước vận tải đã đạt đỉnh rồi dần về bình thường do nhu cầu giảm và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng cũng được cải thiện”. Xem thêm...

Nợ gốc, nợ lãi trái phiếu đè nặng doanh nghiệp

Nợ trái phiếu đến hạn lớn, nguồn vốn gọi mới qua kênh trái phiếu giảm trong khi vay vốn ngân hàng khó khăn đang “đè nặng” lên nhiều doanh nghiệp.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 10 tháng năm 2022 đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Ảnh: Đình Hải

Đáng chú ý, lượng phát hành TPDN có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2022: Quý I đạt 134,8 nghìn tỉ đồng, quý II là 122,4 nghìn tỉ đồng, quý III là 65,9 nghìn tỉ đồng. Cũng theo Bộ Tài chính, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng. Trong số này các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%;

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp có nhu cầu gọi vốn 317.000 tỉ đồng nhưng trên thực tế giá trị trúng thầu chỉ đạt 182.222 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ trúng thầu/giá trị gọi vốn là 57%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ này các năm trước: Năm 2019 là 79,7%, năm 2020 là 76,5%, năm 2021 là 73,3%. Xem thêm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn