MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãi suất ngân hàng cao nhất 7,55%, dự báo tăng nóng từ nay đến cuối năm

Hương Nguyễn LDO | 16/07/2022 09:41

Lãi suất tiết kiệm đang tăng dần, hiện mức lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay lên tới 7,55%. Chuyên gia dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng khoảng 0,5-1% trong khi lãi suất cho vay tăng 0,4 - 0,7% từ nay đến cuối năm.

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay

Khảo sát của PV báo Lao Động tại 31 ngân hàng thương mại, trong tháng 7.2022, gần chục ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên từ 7,0 -7,55% năm cho các kì hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.  

Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB với mức 7,55% cho kì hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.

BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kì hạn dài 12 tháng trở lên nhưng với các điều kiện khác nhau.

Bốn “ông lớn” khối Big 4 là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank tiếp tục duy trì lãi suất thấp nhất trên thị trường. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tuỳ vào từng kì hạn gửi tiền.

Ở kì hạn 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dao động từ 3,0% đến 4,0%. Có 5 ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất 4% là VIB, SCB, PVcomBank, PGBank, GPBank. Trong khi đó BIG 4 niêm yết mức lãi suất ở mức thấp 3,0% - 3,1%. Thấp nhất thị trường là MB với mức lãi suất niêm yết 2,9%.  

Ở kì hạn 3 tháng, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng huy động là khoảng 0,7%. Đa số các ngân hàng thương mại đều niêm yết mức lãi suất huy động từ 3,3% - 4%.

Lãi suất ngân hàng tăng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần

Ở kì hạn 6 tháng, mức độ cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng bắt đầu thấy rõ, chênh lệch lên tới 2,85%. Lãi suất ngân hàng kì hạn này dao động từ 4% -6,85%. Cao nhất là SCB ở mức 6,85% (hình thức gửi tiết kiệm online). Vị trí thứ 2 là CBBank ở mức 6,8% (hình thức gửi tiết kiệm tại quầy). Xếp chót bảng lãi suất ngân hàng cao nhất kì hạn 6 tháng là VietcomBank, VietinBank, Agribank, BIDV mới mức 4%.    

Từ kì hạn 12 tháng trở lên, có 3 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 7%/năm. Đứng đầu danh sách là SCB với mức lãi suất 7,3% (áp dụng cho khách hàng gửi online).

Bám sát theo sau là NamABank với lãi suất ở mức 7,2%.

CBBank niêm yết lãi suất kì hạn 12 tháng ở mức 7,15% và xếp ở vị trí thứ 3. 

Thấp nhất trên thị trường là lãi suất của HongLeong ở mức 4,6%. 

Mức chênh lệch lãi suất huy động rõ rệt tại kì hạn 24 tháng kéo rộng ra đến 2,25%. Ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB niêm yết ở mức 7,55%. Trong khi đó, Vietcombank huy động tiền tiết kiệm với lãi suất thấp nhất thị trường ở kì hạn 24 tháng chỉ là 5,3%.

Dự báo lãi suất huy động tăng khoảng 0,5-1%, lãi suất cho vay tăng 0,4 - 0,7%.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) dự báo: với kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022, Ngân hàng Nhà nước có dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng với mức độ hạn chế hơn, trước áp lực lạm phát và tỷ giá mà không buộc phải thắt chặt theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Theo đó, lãi suất điều hành được dự báo vẫn được giữ nguyên ở mức thấp, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tương đương mức tăng năm 2021.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ tiếp tục được sử dụng đồng thời hai công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài. Lạm phát neo cao khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed.

Trong 6 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại.

Biểu đồ lãi suất huy động và lãi suất điều hành trong thời gian qua

Theo NHNN, tính đến ngày 30.6, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,35%, cao hơn so với mức tăng 6,47% của 6 tháng đầu năm 2021, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tăng lên khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường

Trong quý II, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng ở cả kì hạn ngắn và dài do thanh khoản các ngân hàng chịu nhiều áp lực khi nhu cầu tín dụng tăng cao.

Tới tháng 6 đà tăng đã có phần chững lại khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đã chạm mức trần tín dụng NHNN cấp cho đầu năm nên dư địa để các ngân hàng cho vay tiếp là không còn. Đối với các ngân hàng nhỏ, mức tăng lãi suất huy động cao (dao động từ 0,5 - 1%), trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có mức biến động tương đối hẹp (thấp hơn 0,5%).

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn