MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất gạch không nung từ xử và tro bay. Ảnh: Đ.T

Loay hoay gỡ khó việc sử dụng tro xỉ tại nhà máy nhiệt điện than

Đặng Tiến LDO | 07/05/2018 09:59

Gần đây, việc sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐT) trong sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), phụ gia phối trộn đang là vấn đề nan giải và được các bộ ngành liên quan vào cuộc tìm mọi biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Nhiều vướng mắc gây khó cho các NMNĐ, DN sản xuất VLXD từ tro xỉ và ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Bán không được - chôn lấp không xong

Theo Phó cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương - Phạm Trọng Thực nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Tính trung bình, để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9 - 1,5 kg tro, xỉ. Số liệu từ 23 MNNĐT đang vận hành cho thấy, lượng tro, xi phát sinh hàng năm khoảng 12,2 triệu tấn, trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%).

Tính riêng năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% tổng lượng phát sinh do quan niệm đây là một nguồn chất thải hoặc chất thải nguy hại. Theo tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 46 nhà máy nhiệt điện than (NĐT) đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 41.500 MW, trong đó, có 25 nhà máy sử dụng than nội địa và 21 nhà máy sử dụng than nhập.

Theo ông Thực, dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có chủ trương xử dụng tro xỉ để sản xuất ximăng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất VLXD, song do nhiều vướng mắc nên hầu hết lượng tro xỉ không được sử dụng cho mục địch này. Tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa tro bay và bụi lò hơi có dầu từ các NMNĐT vào danh mục chất thải nguy hại.

Quy định này khiến các nhà máy NĐT phải tốn kém kinh phí phân tích thành phần tro, xỉ nhưng kết quả là đều thấp hơn ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định. Theo các chuyên gia, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất VKXD và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu trong khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chưa phù hợp với thực tế cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ.

Bên cạnh đó, việc thị trường quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống; giá thành gạch không nung cao và thiếu các chính sách hỗ trợ DN sản xuất VLXD từ tro xỉ… cũng là những nguyên nhân được nêu ra.

Loay hoay tháo gỡ

Theo Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương) - Trần Văn Lượng để giải quyết vấn đề này, ngày 7.3.2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đĩnh Dũng đã làm việc với các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, KHCN bàn giải pháp xử lý, chế biến tro xỉ và tháo gỡ khó khăn theo hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn trong quá trình quản lý, sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ.

Cũng theo ông Lượng để giải quyết nút thắt cần sớm sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các DN sản xuất VLXD từ tro xỉ dễ dàng tiếp cận và tái chế tro, xỉ của NMNĐT. Đồng thời, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm VLXD, vật liệu san nền…

Đại diện Viện nghiên cứu ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, PGS. TS Bạch Đình Thiên cho rằng, nếu xử lý tốt tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện mỗi năm có thể tiết kiệm được hàng chục triệu tấn tài nguyên khoáng sản, hàng trăm ha diện tích làm bãi chứa và quan trọng hơn là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ NMNĐT, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Do vậy, các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Theo Chủ tịch HĐQT Cty CP sản xuất gạch không nung Thanh Tuyền - Vũ Thanh Tuyền, ngoài một số rào cản pháp lý thì khó khăn DN gặp phải là công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ chủ yếu của Trung Quốc còn nhiều hạn chế, trong khi công nghệ của các nước tiên tiến khác đồi hỏi chi phí đầu tư rất lớn.

Việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các chứng nhận chất lượng của các cơ quan nhà nước. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường vẫn quen sử dụng các loại vật liệu xây dựng truyền thống, do đó việc tiêu thu khó khăn. Cùng đó giá thành của gạch không nung cao và chi phí vận chuyển nguyên vật liệu đến nơi tiêu thụ lớn. Do vậy rất cần các chính sách hỗ trợ các DN sản xuất gạch không nung như thuế, lãi xuất ngân hàng...”, ông Tuyền nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn