MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá mua thanh long đang tăng trở lại. Ảnh: K.Q

Long An: Giá thanh long tăng trở lại, nhà vườn mừng nhưng vẫn lo

Kỳ Quan LDO | 19/02/2020 17:05
Sau nhiều ngày im ắng vì giá thanh long rớt thê thảm, trong mấy ngày qua, vùng trồng thanh long huyện Châu Thành, tỉnh Long An bỗng sôi động khi giá mua loại trái cây này hồi phục trở lại.

Sáng ngày 19.2, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé Hai (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long trên 2.000m2 đất nhà trồng. Ông Bé Hai cho biết, số thanh long này ông đã bán “non” cho thương lái cách đây 1 tuần với giá 12.000đ/kg. Vì vậy, dù mấy ngày nay giá thanh long đã tăng lên 25.000đ/kg, ông vẫn phải giao hàng cho thương lái theo giá cũ.

Ông Bé Hai thu hoạch thanh long. Ảnh: K.Q
Thanh long đang chín tới, chờ bán. Ảnh: K.Q

Tuy có tiếc, nhưng ông Bé Hai tự an ủi là mình còn may mắn hơn đứa cháu ở nhà kề bên khi phải bán thanh long với giá 3.000 – 4.000đ/kg cách đây hơn 10 ngày. Cũng theo ông Bé Hai, vừa qua nhiều hộ dân trong xóm thậm chí còn hái bỏ thanh long để chờ vụ sau vì giá bán xuống quá thấp, không đủ chi phí thu hoạch, vận chuyển…

Khảo sát thực tế trên các tuyến đường ở huyện Châu Thành, cảnh thu hoạch, vận chuyển, thu mua, sản xuất thanh long đã sôi động trở lại chứ không im ắng như cách đây 10 ngày. Nhiều kho thanh long đã xuất hàng lên xe container, đồng thời nhận hàng mới trở lại. Công nhân đã đi làm trở lại ở các nhà kho, cơ sở chế biến thanh long…

Nhập kho thanh long. Ảnh: K.Q
Trong 1 cơ sở chế biến thanh long. Ảnh: K.Q

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công thương Long An – cho biết, những ngày qua thương lái Trung Quốc tăng giá mua thanh long ruột đỏ ở Long An, từ 5.000 – 10.000 đồng/kg nhích dần lên 15.000 – 20.000 đồng/kg, thậm chí có lúc phát giá lên 30.000 – 40.000 đồng/kg, gần bằng với mức giá trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng chủ yếu là giá đặt cọc để cuối tháng nhận hàng, chứ không phải là giá mua ngay bây giờ.

Theo ông Đức, việc thương lái Trung Quốc tăng giá mua (đặt cọc) thanh long, là nhờ một lượng thanh long đáng kể bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc được thông quan thời gian qua, giúp cho thanh long đang nằm kho ở Long An có thể xuất đi tiếp.

Bên cạnh đó, theo ông Đức, thời gian qua Bộ NNPTNT và các tỉnh đã có nhiều nỗ lực giúp tiêu thụ thanh long (như tăng cường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu đường biển, tìm thị trường khác…). Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ thanh long nội địa và xuất khẩu. Việc ấy làm cho các thương lái Trung Quốc sợ mất nguồn hàng, buộc phải có động thái để giữ nguồn thanh long. Nhất là khi tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm nhiệt, một khi mọi việc trở lại bình thường, nhu cầu tiêu thụ thanh long ở thị trường Trung Quốc là rất lớn.

Ông Đức nhận định, nếu sắp tới thương lái Trung Quốc mua đúng giá đang đặt cọc, đó là điều rất tốt. Còn nếu họ không giữ đúng cam kết đặt cọc, điều đó càng tiếp tục gây khó khăn cho tiêu thụ thanh long.

“Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực kết nối, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vào cuộc tiêu thụ thanh long. Nhưng khi các thương lái Trung Quốc đẩy giá lên (cao hơn giá tiêu thụ nội địa), nhiều nhà vườn ngưng giao cho các doanh nghiệp trong nước, chờ giao cho thương lái Trung Quốc. Nếu đến hẹn mà thương lái Trung Quốc không nhận hàng hoặc hạ giá mua, mọi chuyện sẽ càng thêm khó khăn”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, tỉnh Long An đang nỗ lực xúc tiến thương mại cho trái thanh long xuất khẩu đi nhiều thị trường khác, trước mắt là Ấn Độ, Dubai,…, đồng thời tăng cường tiêu thụ nội địa, để giảm dần phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường.  

Theo Sở Công thương Long An, hiện toàn tỉnh có hơn 10.000ha thanh long, trong đó gần 9.600ha thanh long đang cho trái, sản lượng gần 300.000 tấn/năm. Trong đó 70 - 80% tiêu thụ thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra, sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được cuối tháng 1 và trong tháng 2.2020 ước tính vào khoảng 30.000 tấn. Trong đó đang tồn trong kho khoảng 2.000 tấn, thanh long đang chín tới trên cây khoảng 28.000 tấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn