MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh như An Thành gặp khó khăn khi trên thị trường sâm thật - giả lẫn lộn. Ảnh: Hoàng Bin

Ma trận sâm Ngọc Linh siêu rẻ

Hoàng Bin - Thanh Tuấn LDO | 19/01/2024 06:56

Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm, có giá trị cao, được công nhận như “quốc bảo” của đất nước. Sâm Ngọc Linh đã được công bố chỉ dẫn địa lý tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum từ năm 2016. Tuy nhiên, việc bảo vệ thương hiệu và nguồn gen quý này đang gặp rất nhiều khó khăn, khi sâm giả, sâm kém chất lượng “đội lốt” sâm Ngọc Linh tràn lan trên thị trường.

“Sâm Ngọc Linh” vừa bán vừa cho

Trong các phiên chợ dược liệu năm 2023 do chính quyền Quảng Nam và Kon Tum tổ chức, sâm Ngọc Linh được giao dịch với giá bán từ 60-160 triệu đồng/kg, tùy độ tuổi. Thế nhưng chỉ cần gõ từ khóa “sâm Ngọc Linh” trên các trang mạng xã hội, lập tức xuất hiện hàng trăm địa chỉ rao bán sản phẩm được giới thiệu là “sâm Ngọc Linh” với giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 1-5% giá sâm Ngọc Linh ở vùng trồng.

Liên hệ với một người dùng Facebook có tên Sâm Sâm, phóng viên Lao Động được chào mời làm đại lý phân phối với giá bán “rẻ như cho” như: Sâm củ Ngọc Linh có giá chỉ từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/kg; mua 10kg được tặng 1kg, hạt giống sâm Ngọc Linh được bán với giá chỉ 1.000 đồng/ hạt, tặng kèm 1 cây sâm Ngọc Linh 2 năm tuổi với giá 99.000 đồng…

“Sở dĩ có giá mềm như vậy vì nhập từ Trung Quốc, nơi trồng quy mô lớn, chứ chất lượng cũng tương đương”- người này cam kết.

Anh A Hay, người dân trồng sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết, lợi dụng phong trào trồng sâm nổi lên gần đây và việc hạn chế thông tin của người dân miền núi, các thương lái tìm cách thâm nhập “thủ phủ” sâm để chào bán.

“Nếu sâm thật có giá trên 100 triệu đồng/kg thì sâm giả chỉ 20-30 triệu/kg. Cây sâm giống có giá 150.000-200.000 đồng/cây thì giá cây giống sâm mua bán trôi nổi ở Kon Tum hiện chỉ 20.000-30.000 đồng/cây, thậm chí còn được khuyến mãi nếu người mua nhiều” - anh A Hay nói.

Theo bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My, những cây sâm giả mạo giá rẻ vì hầu hết có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc như Lai Châu hoặc nhập từ Trung Quốc, hàm lượng dược liệu và saponin rất thấp, thậm chí bằng không nên vô giá trị.

Thủ đoạn thường dùng là gắn mác sâm Ngọc Linh cho các loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh để bán cho khách với giá trên trời; làm khống bản xác nhận có liên kết trồng sâm với dân hay lợi dụng giấy xác nhận vùng trồng, liên kết để mang đi mua bán, kinh doanh.

Thực tế, một số người tiêu dùng vẫn hiểu với giá rẻ như vậy khó thể là sâm Ngọc Linh, nhưng “gian thương” vẫn tìm mọi cách trộn lẫn thật - giả để thu lợi bất chính, gây tổn hại đến thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh là dược liệu có giá trị kinh tế cao, hiện bị giả mạo thương hiệu rất nhiều nhưng việc kiểm định còn khó khăn. Ảnh: Hoàng Tuấn

Kiểm định sâm Ngọc Linh bằng... mắt thường

6 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh cho tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum.

Đến năm 2018, chỉ dẫn địa lý được sửa đổi, mở rộng ra khu vực địa lý gồm xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh, xã Xốp thuộc huyện ĐăkGlei; xã Đăk Na, xã Măng Ri, xã Ngọc Lây, xã Ngọc Yêu, xã Văn Xuôi, xã Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; xã Trà Linh, xã Trà Nam, xã Trà Cang, xã Trà Dơn, xã Trà Don, xã Trà Leng, xã Trà Tập thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Việc công bố chỉ dẫn địa lý đã giúp ích rất nhiều cho địa phương vùng trồng trong xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, tuy nhiên cho đến nay, việc phân biệt sâm thật, giả vẫn khá mơ hồ.

Tại lễ hội sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My lần gần nhất diễn ra vào tháng 8.2023, chỉ sau 3 ngày, ban tổ chức đã thu về gần 9,5 tỉ đồng từ tiền bán sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, việc giám định sâm Ngọc Linh tại lễ hội nhiều năm qua vẫn dựa vào kinh nghiệm và mắt thường, chưa có thiết bị máy móc kiểm định hỗ trợ.

Ông Trịnh Minh Quý - Trưởng ban Kiểm định sâm Ngọc Linh cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện hơn 2kg sâm nghi sâm Ngọc Linh giả nên không cho giao dịch tại hội chợ. Nếu sâm nguyên thân củ còn có thể phân biệt chứ nếu cắt lát ra chế biến như ngâm mật ong thì chịu. Tôi mong các cấp ngành liên quan cần quyết liệt kiểm tra, phát hiện xử lý sâm mạo danh để giữ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh”.

Tại buổi họp báo gần cuối năm 2023 của tỉnh Quảng Nam, Thượng tá Hà Thế Xuyên - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh cho biết, hiện chưa có quy chuẩn xác định sâm Ngọc Linh, cho nên không biết sâm thật, giả hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài. Đây là thực trạng khiến cơ quan điều tra cũng gặp lúng túng trong việc xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến sâm Ngọc Linh.

“Trong năm 2023, Công an tỉnh đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến sâm Ngọc Linh nhưng thông qua hành vi khác như: trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bán hạt sâm giả), xử phạt hành chính bán sâm không rõ nguồn gốc... Một số vụ trộm cắp sâm Ngọc Linh nhưng thiếu thiết bị kiểm định nên không đủ căn cứ tính giá trị bị mất trộm để làm căn cứ áp dụng hình phạt” - thượng tá Hà Thế Xuyên nói.

Theo ông Trịnh Minh Quý: “Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương bố trí kinh phí cho huyện Nam Trà My trang bị hệ thống máy móc kiểm định sâm Ngọc Linh nhưng sau đó giao lại cho Sở NN&PTNT, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tại Quảng Nam, nếu muốn kiểm định sâm Ngọc Linh phải gửi qua Kon Tum hoặc ra Bộ Công an nhưng mà lâu nay mình cũng chưa làm chuyện này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn